Động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng trong nước

(BKTO) - Dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN), động lực tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu và tiêu dùng nội địa càng hiện hữu rõ hơn khi những chỉ báo về tăng trưởng xuất khẩu dần tích cực và sự cải thiện, gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường trong nước 3 tháng cuối năm…

11.jpg
So với năm 2022, đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may chỉ còn giảm khoảng 15%. Ảnh minh họa

Xuất khẩu là bệ đỡ vững chắc

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều mặt hàng trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt, hàng tồn kho ở mức cao dẫn tới các đơn hàng xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Kiểm toán về những tín hiệu ấm dần lên của thị trường xuất khẩu dệt may - một ngành hàng chủ lực của Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may - cho biết, so với năm 2022, đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu dệt may chỉ còn giảm hơn 16% và đến hết tháng 9 chỉ còn giảm khoảng 15%. Chúng tôi dự báo, từ nay đến cuối năm, mức giảm chỉ còn xung quanh khoảng 10%. Và nếu tận dụng được tốt các cơ hội sản xuất nhanh, xuất khẩu hàng nhanh để đối tác nhận được hàng trước ngày 31/12 thì có khả năng phấn đấu mức suy giảm chỉ còn 1 con số. Đây sẽ là dấu hiệu rất tốt khi so với kết quả 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may âm tới 18% - ông Trường đánh giá.

Xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, hàng tồn kho ở các nước mà chúng ta có thế mạnh về xuất khẩu đã giảm. Ví dụ như ở Mỹ, 6 tháng đầu năm, hàng tồn kho lên tới 20% nhưng đến tháng 8 chỉ còn 10% và dự đoán đến cuối năm 2023 tiệm cận về 0%. Đây là cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Thông tin tích cực này không chỉ đến từ ngành dệt may, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn và có xu hướng tăng nhẹ những tháng gần đây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý. Nếu như kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8%, thì kết quả quý III chỉ còn giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy các hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả và sự chủ động tích cực trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu mới của DN được cải thiện.

Điều đáng chú ý nữa được bà Nguyễn Thị Hương chỉ ra, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng qua thì nhập khẩu của nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 223,08 tỷ USD, chiếm tới 93,7%. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, DN Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, từ nay đến cuối năm, đơn hàng xuất khẩu tiếp tục phục hồi, ngoài yếu tố thị trường thì bản thân các DN Việt Nam cũng đã thể hiện rõ khả năng chống chịu, sự linh hoạt, chủ động cao trong sản xuất kinh doanh, phát huy được sự sáng tạo trong tìm kiếm thị trường mới và khai thác tốt lợi thế từ các FTA.

Thị trường trong nước phục hồi nhưng không đồng đều

“Mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu rõ. Cùng với thị trường xuất khẩu, tại thị trường nội địa cũng có những dấu hiệu khởi sắc và kỳ vọng đang được đặt vào nhu cầu thị trường trong nước thường tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là gần các ngày lễ, tết.

Cú huých bùng nổ nhu cầu đang được đặt vào các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng quy mô lớn. Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, dự kiến thu hút 3.000 DN tham gia với 7.000 chương trình giảm giá sâu, hấp dẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp với các DN phân phối chuẩn bị thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2024, cũng như liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho cuối năm và dịp Tết.

Ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD năm 2023 (năm 2022 đạt 44 tỷ USD). Nếu xét về kim ngạch, xuất khẩu của ngành dệt may đứng thứ 4, nhưng nếu xét về giá trị gia tăng, giá trị thặng dư thì dệt may mang lại giá trị lớn nhất với con số xuất siêu khoảng 19 tỷ USD, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, vượt trên cả các ngành điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex

Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, từ ngày 27/10-30/11 tới đây, Sở sẽ tổ chức Chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2023 với “1.000 điểm khuyến mại - Rộn ràng ưu đãi”, áp dụng giảm giá từ 20% đến trên 50% cho ít nhất 20% mặt hàng đang kinh doanh của DN... Việc tổ chức các chương trình kích cầu quy mô lớn tại hai đầu cầu đất nước sẽ thúc đẩy tiêu dùng tăng cao, cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định.

Nhưng đó là với thị trường hàng hóa, còn với thị trường dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, nếu có cải thiện cũng không được rõ nét như trước, bởi đã đến giai đoạn bão hòa. DN liên tục lỗ kể từ đại dịch Covid-19, trong khi DN thành lập mới trong lĩnh vực này không nhiều, mà số tạm dừng kinh doanh, giải thể, phá sản tăng cao khiến ngành đang đi xuống, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng. Các chuyên gia khác và nhiều DN nhận định, tuy đón lượng khách quốc tế tăng nhanh, đến nay đã vượt chỉ tiêu cả năm nhưng du lịch Việt Nam vẫn có chi phí cao, khả năng kết nối hàng không còn hạn chế và thị trường truyền thống là Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, mới đạt tỷ lệ phục hồi 28,2%. Vì vậy, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, Chính phủ cần nhìn nhận thật nghiêm túc để có những giải pháp cứu vãn kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế./.

Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo sản xuất, gắn với đẩy mạnh xuất khẩu nông sản dịp cuối năm
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong bối cảnh thị trường thế giới có sức mua ngày càng lớn, việc bảo đảm nguồn cung nông sản cả về số lượng và chất lượng là điều kiện quan trọng để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, các cơ quan chức năng cần tranh thủ nắm bắt để đưa sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành nông nghiệp đặt ra từ nay đến cuối năm.
  • Nam Định: Những kết quả toàn diện, tích cực trong xây dựng nông thôn mới
    6 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Định đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện.
  • EVN hoàn thành đàm phán giá điện chuyển tiếp đối với 62/68 dự án
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống tháng 10/2023 ở mức 754,4 triệu kWh/ngày, tăng 7,22% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Thúc đẩy tín dụng trên địa bàn Thái Nguyên
    6 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ cho vay trên địa bàn Thái Nguyên đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022.
  • PVN góp "gam màu sáng" trong "bức tranh" kinh tế
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, với nỗ lực vượt bậc, 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực, góp những gam màu sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.
Động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng trong nước