EVN hoàn thành đàm phán giá điện chuyển tiếp đối với 62/68 dự án

(BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống tháng 10/2023 ở mức 754,4 triệu kWh/ngày, tăng 7,22% so với cùng kỳ năm 2022.

evn.jpg
Công tác sửa chữa lưới điện trung áp. Ảnh: EVN

Trong tháng 9, Tập đoàn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.

Đặc biệt, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn và chủ động ứng phó với cơn bão số 3, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại một số địa phương khu vực Bắc, Trung bộ.

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 9/2023 đạt 23,5 tỷ kWh (trung bình 784,9 triệu kWh/ngày), tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ngày cao nhất đạt 869,9 triệu kWh và công suất cao nhất đạt 42.054 MW (ngày 22/9).

Lũy kế 9 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 209,9 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ huy động từ thủy điện đạt 58,05 tỷ kWh, chiếm 27,7%.

Do vào đầu tháng 9 lưu lượng nước về các hồ tốt trên cả 3 miền nên thủy điện được khai thác tăng, đặc biệt là các hồ thủy điện đa mục tiêu.

Sản lượng huy động từ nhiệt điện than đạt 97,2 tỷ kWh, chiếm 46,3% và từ năng lượng tái tạo đạt 29,13 tỷ kWh, chiếm 13,9% (trong đó điện mặt trời đạt 20,45 tỷ kWh, điện gió đạt 8.01 tỷ kWh).

Sản lượng điện huy động từ tua bin khí là 20,82 tỷ kWh, chiếm 9,9%; nhiệt điện dầu 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,6% và từ nguồn nhập khẩu là 3,1 tỷ kWh, chiếm 1,5%.

Trong 9 tháng qua, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 87,79 tỷ kWh, chiếm 41,83% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

9 tháng đầu năm, EVN và các đơn vị đã khởi công 50 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 60 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV, bao gồm: 01 công trình 500 kV, 09 công trình 220 kV và 50 công trình 110 kV.

Trong đó đã đóng điện giai đoạn 1 dự án treo dây mạch 2 đường dây 220 kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi; đóng điện đường dây và trạm biến áp 110kV Yên Bình 8, tỉnh Thái Nguyên; đóng điện đường dây và trạm biến áp 110kV Đồng Sóc; đóng điện dự án lắp đặt máy biến áp T3 trạm biến áp 110kV Minh Hải, tỉnh Hưng Yên...

Thông tin về tình hình thực hiện thủ tục các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, lãnh đạo EVN cho biết, đến ngày 29/9, đã có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, có 68 dự án (tổng công suất 3.897,41 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 62/68 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 60 dự án với tổng công suất 3331,41 MW.

Có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại (COD), được phát điện thương mại lên lưới.

Trong đó có 23 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 21/9/2023 đạt hơn 625 triệu kWh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 dự án với tổng công suất 136,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Cùng chuyên mục
EVN hoàn thành đàm phán giá điện chuyển tiếp đối với 62/68 dự án