Đảm bảo sản xuất, gắn với đẩy mạnh xuất khẩu nông sản dịp cuối năm

(BKTO) - Trong bối cảnh thị trường thế giới có sức mua ngày càng lớn, việc bảo đảm nguồn cung nông sản cả về số lượng và chất lượng là điều kiện quan trọng để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, các cơ quan chức năng cần tranh thủ nắm bắt để đưa sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành nông nghiệp đặt ra từ nay đến cuối năm.

13.jpg
Thúc đẩy sản xuất, gắn với đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Ảnh:TL

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, 9 tháng năm 2023, tăng trưởng của ngành nông nghiệp ước đạt 3,66% so với cùng kỳ. “Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức” - ông Tiến cho biết.

Thông tin cụ thể về kết quả này, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - cho biết, 9 tháng qua, xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp đã đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD - tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm nông sản tiếp chuỗi đà tăng ấn tượng, đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 13,8% (chiếm tỷ trọng 22,1%); Mỹ giảm 22,6% (chiếm 20,7%) và Nhật Bản giảm 7,7% (chiếm 7,6%).

Năm 2023, ngành NNPTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 53-54 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng nông sản nổi lên là những điểm sáng, có giá trị cao, đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu của toàn ngành, như: Rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%...

Ông Hoàng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - dự báo, từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. “Điểm thuận lợi là dịp cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng đạt khoảng 7,6 triệu tấn” - ông Nguyên cho biết.

Nói về sản phẩm gạo - điểm nhấn nổi bật trong bức tranh tăng trưởng của nhóm hàng nông sản thời gian qua, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Gạo Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn. “Với việc sức mua và giá thành ổn định như hiện nay, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 đang ở rất gần” - ông Cường thông tin; đồng thời tin tưởng sản xuất lúa sẽ đảm bảo việc xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỷ USD.

Đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu được thông suốt

Xác định những tháng cuối năm là thời điểm “vàng” để tạo sự bứt phá trong tăng trưởng xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT cho biết, toàn ngành cần thực hiện song song hai nhiệm vụ, đó là xúc tiến thị trường, đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm để có thể về đích cả về tỷ lệ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch khác; đồng thời đảm bảo dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh tình trạng dư thừa không tiêu thụ được.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, vụ đông là vụ rau rất đặc biệt của Việt Nam với giá trị kinh tế cao, ngoài đáp ứng nhu cầu nội tiêu còn phục vụ xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Do đó, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, không để gián đoạn nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời, Bộ sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm hàng nông sản chính để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Đơn cử, đối với sản phẩm cà phê, Bộ NNPTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương để đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu. Tại Đắk Lắk - nơi được coi là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, ngoài việc đảm bảo diện tích, tỉnh cũng thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh, bền vững ở cả ba khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến được xem là định hướng quan trọng nhằm nâng cao giá trị ngành hàng.

Đối với hoa quả - nhóm hàng có sức tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay cũng là mục tiêu được ngành NNPTNT tập trung nhằm đảm bảo nguồn cung, cả về số lượng lẫn chất lượng cho thị trường. Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhiệm vụ này đã được ngành NNPTNT đặt ra có tính chất dài hạn. Cụ thể, theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây cả nước đạt hơn 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD. Trong đó, có 14 loại cây ăn quả chủ lực được chọn để tập trung phát triển, gồm: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ và na.

Ngoài việc hướng đến mục tiêu xuất khẩu năm nay, Bộ NNPTNT cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp theo định hướng phát triển dài hạn, như: Yêu cầu các đơn vị kịp thời cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia nhập khẩu, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu./.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo sản xuất, gắn với đẩy mạnh xuất khẩu nông sản dịp cuối năm