Động lực và triển vọng kinh tế năm 2024

TS. NGUYỄN MINH PHONG | 25/01/2024 13:52

Trong Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, công bố sáng 15/01/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM) đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024.

11.jpg
Động lực tăng trưởng năm 2024 được hội tụ, cộng hưởng và lan toả từ những thành tựu đổi mới. Ảnh minh họa

Kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP thế giới tăng 2,9%. Với kịch bản này, CIEM dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng 6,13%, lạm phát bình quân là 3,94%, tăng trưởng xuất khẩu 4,02%.

Kịch bản 2, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,2% và một số chỉ tiêu tín dụng. Theo đó, GDP Việt Nam có thể tăng 6,48%, lạm phát bình quân 3,72%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,19%.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2024, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 2,7-2,9% GDP và lạm phát giảm còn khoảng 4,8%. Nhiều quốc gia có thêm động lực mới từ cơ hội giảm lạm phát, lãi suất và nới lỏng dần chính sách tài chính - tiền tệ, cùng sự gia tăng trở lại nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường lớn trên thế giới. Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh nhất so với các nền kinh tế phát triển; châu Âu sẽ tiếp tục trì trệ; Trung Quốc bắt đầu giai đoạn tăng trưởng chậm lại, còn mức tăng trưởng cao nhất thế giới lại thuộc về các nền kinh tế châu Á và châu Phi.

Xu hướng gia tăng áp lực hàng rào bảo hộ, sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, với nhiều hạn chế hơn về thương mại, về hợp tác đa phương trong việc cung cấp hàng hóa công, về dịch chuyển vốn xuyên biên giới, công nghệ, lao động và thanh toán quốc tế, trong khi tăng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường... vừa là cơ hội cho một số nước, vừa là thách thức cho hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhiều nền kinh tế thế giới sẽ ghi nhận sự gia tăng nợ công và nợ xấu gắn với rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản và diễn biến khó lường của các xung đột địa chính trị, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng đầu tư và năng suất các nhân tố tổng hợp toàn cầu sẽ ngày càng giảm; giá dầu thô sẽ còn nhiều biến động, tuỳ thuộc vào triển vọng nguồn cung từ Nga, từ Ả Rập Xê-út, OPEC+ và tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.

IMF dự báo năm 2024 kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024. Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín khác còn tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng trung hạn hằng năm khoảng 7% GDP.

Theo Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại, cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng. Lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần nhờ sự gia tăng trở lại các đơn hàng xuất khẩu trong các ngành dệt may, da giầy ngay từ cuối năm 2023, đầu năm 2024...

Thực tế cho thấy, động lực tăng trưởng năm 2024 được hội tụ, cộng hưởng và lan toả từ những thành tựu đổi mới, hội nhập và phát triển trước đó, nổi bật là sự ổn định và đảm bảo các cân đối vĩ mô. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước Đối tác Chiến lược toàn diện, 12 nước Đối tác Chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện. Việt Nam vẫn là điểm đến của quá trình chuyển dịch cơ cấu và các dòng vốn quốc tế nhờ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và địa lý kinh tế; thị trường trong nước tiếp tục mở rộng; dòng khách quốc tế và dòng FDI giải ngân đều liên tục được cải thiện, sẽ có bứt phá từ nhiều dự án FDI mới và quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao từ Anh, Mỹ và châu Âu, tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng…

Việt Nam hiện chiếm hơn 10% tổng lượng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ, đứng thứ 3 về xuất khẩu chip sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Các động lực mạnh mẽ nhất đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, phát triển thể chế và cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và tăng cường liên kết vùng; tháo gỡ khó khăn đối với hấp thụ vốn của doanh nghiệp và tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ…

Việt Nam bước vào năm 2024 với tâm thế lạc quan và động lực mới được hội tụ từ những điểm sáng kinh tế đạt được năm 2023 và nhiều thành tựu cải thiện các chỉ số xếp hạng quốc tế, như: "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu", “Chỉ số Đổi mới sáng tạo”, “Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam”; cũng như về Truyền thông số, Thanh toán số, kinh tế số và xếp hạng tín nhiệm quốc tế về tín dụng dài hạn (ngày 08/12/2023, Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng ổn định; với thâm hụt ngân sách trung bình khoảng 4,3% GDP giai đoạn 2024-2025)./.

Cùng chuyên mục
Động lực và triển vọng kinh tế năm 2024