Nghiêm túc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công

(BKTO) - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán bên lề buổi giám sátcủa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại KTNN khu vực XI




Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Thưa ông, được biết đây là lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tổ chức một cuộc giám sát riêng về việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của KTNN trong đầu tư công trình xây dựng từ nguồn NSNN. Xin ông cho biết, xuất phát từ lý do nào mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lại lựa chọn giám sát nội dung này?

- Qua nghiên cứu báo cáo của KTNN trình Quốc hội về quyết toán NSNN và những kiến nghị của KTNN, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện các kiến nghị này (gồm cả ở Thanh Hóa) còn khiêm tốn. Mặt khác, qua thực tiễn báo cáo của các cơ quan, qua phát hiện của người dân cũng như sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy, trong quản lý tài chính công, tài sản công và đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư công trình xây dựng bằng nguồn NSNN còn nhiều thất thoát, lãng phí, thậm chí có cả biểu hiện tham nhũng. Vì vậy, đây là vấn đề mà cử tri và các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm.

Chúng tôi biết, lựa chọn giám sát nội dung này là một vấn đề khó. Tuy nhiên, quá trình giám sát chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ KTNN khu vực XI và của cá nhân đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng như của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh nên việc tập hợp tài liệu, các thông tin liên quan khá thuận lợi.

Kết quả giám sát sẽ là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng pháp luật, ban hành các quy định của pháp luật nhằm thực thi nghiêm các quy định trong Luật KTNN, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong quản lý tài sản công, tài chính công. Mặt khác, qua hoạt động giám sát chúng tôi cũng mong muốn góp một tiếng nói, kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc sử dụng tài chính, tài sản công, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, hạn chế tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Báo cáo của KTNN khu vực XI và qua ý kiến của các đại biểu tại buổi giám sát cho thấy, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn hạn chế. Vậy từ kết quả của cuộc giám sát này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có những kiến nghị, đề xuất gì nhằm thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ kiến nghị của KTNN, thưa ông?

- Báo cáo của KTNN khu vực XI tuy mới chỉ có số liệu kiểm toán của 3 năm (2012-2014) nhưng đã chỉ ra trong đầu tư xây dựng công trình từ nguồn NSNN có tới 134,5 tỷ đồng sai phạm, trong đó số thực hiện mới đạt 66%; những khoản tiền chi sai phải thu hồi cho NSNN cũng chỉ đạt được 11% đến thời điểm này. Một nội dung kiến nghị tôi thấy có thể thực hiện được ngay, đó là giảm giá trị trúng thầu của các nhà thầu cũng mới thực hiện đạt 86%. Điều này cho thấy, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa nghiêm túc. Đặc biệt, việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm này mặc dù có sự đôn đốc, chỉ đạo của UBND tỉnh bằng nhiều văn bản; việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc sát sao của KTNN khu vực XI nhưng kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan chưa đạt yêu cầu.

Chúng tôi thấy báo cáo của KTNN nêu những kiến nghị, số liệu rất xác đáng nên không có đơn vị, cá nhân nào được kiến nghị có đơn khiếu nại. Thông qua cuộc giám sát và thông qua báo cáo này chính là cơ sở để chúng tôi kiến nghị với HĐND tỉnh trong việc xem xét, phê chuẩn, phân bổ ngân sách địa phương hằng năm. Theo đó, những kiến nghị kiểm toán đúng, đơn vị được kiểm toán đã thừa nhận rồi thì dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc để tăng cường thu hồi về cho NSNN.

Sau cuộc giám sát này, chúng tôi cũng sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo để khắc phục sai phạm về tài chính, đồng thời kiểm điểm nghiêm cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để xảy ra sai phạm, nhằm tăng cường tính giáo dục, tính răn đe đối với việc quản lý tiền và tài sản trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Đối với KTNN, chúng tôi kiến nghị KTNN khu vực XI cần xem xét nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị của mình, trong đó cần đưa ra các kiến nghị rõ ràng, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, cũng như các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện tốt, đầy đủ các kiến nghị kiểm toán.

Ông có thể cho biết ý kiến đánh giá về sự phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và KTNN?

- Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp của KTNN khu vực XI nói riêng và KTNN nói chung đối với Đoàn đại biểu Quốc hội trong những năm qua. Hai cơ quan luôn có sự phối hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. KTNN cung cấp cho Đoàn đại biểu Quốc hội những thông tin trong quá trình kiểm toán, kiến nghị kiểm toán một cách kịp thời; qua đó để Đoàn có cơ sở giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Đoàn đại biểu Quốc hội cũng rất tôn trọng và đánh giá cao những báo cáo của KTNN và xác định đó là những căn cứ để Đoàn xây dựng kế hoạch giám sát và đưa ra những kiến nghị đối với chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Đối với hoạt động giám sát lần này, báo cáo của KTNN là cơ sở quan trọng để chúng tôi xây dựng báo cáo giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời KTNN đã cung cấp thông tin để chúng tôi chia sẻ, thảo luận, đưa ra kiến nghị tại diễn đàn Quốc hội về vấn đề thực thi pháp luật, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông kỳ vọng như thế nào vào hoạt động của KTNN trong thời gian tới?

- Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực thi hành từ năm 2016 đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Vì vậy, chúng tôi rất mong KTNN tiếp tục phát huy vai trò của mình, thực hiện nghiêm Luật KTNN, không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán; nâng cao chất lượng và tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Hiện nay, vấn đề đầu tư công, quản lý tài sản công, tài chính công được cử tri và các đại biểu dân cử rất quan tâm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn KTNN cần đẩy mạnh kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá vào từng khâu, từng công đoạn trong đầu tư các dự án, công trình từ việc quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập thiết kế, dự toán… để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn NSNN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
N. HỒNG - N.LỘC (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Nghiêm túc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công