Dự án đô thị xanh tại Hà Giang sử dụng vốn chưa hiệu quả

(BKTO) - Kết quả kiểm toán hoạt động Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh)”, vay vốn ADB của tỉnh Hà Giang đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn…

hg1.jpg
Hà Giang bố trí vốn cho Dự án phát triển đô thị xanh chưa phù hợp với Tổng mức đầu tư được duyệt

Giải ngân thấp, chậm tiến độ

Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hà Giang bố trí vốn cho Dự án chưa phù hợp với Tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định số 2599a/QĐ-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh Hà Giang. Trong đó, vốn ODA bố trí thiếu 151.635 triệu đồng; vốn đối ứng bố trí thiếu 26.667 triệu đồng.

KTNN cũng chỉ rõ, kế hoạch vốn hàng năm lũy kế đến năm 2022 chưa phù hợp với năm Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 do vốn đối ứng lập cao hơn 25.350 triệu đồng, cao hơn so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã phê duyệt và cao hơn so với Tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân do chi phí giải phóng mặt bằng thay đổi lớn, từ khi phê duyệt Dự án năm 2014 đến khi triển khai thực hiện năm 2019 dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao hơn so với Tổng mức đầu tư và Kế hoạch đầu tư công trung hạn được duyệt.

Tuy nhiên, có một thực tế được phát hiện qua kiểm toán là dự toán vốn không sử dụng hết phải hủy từ khi thực hiện Dự án đến hết năm 2021 là 379.130 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng bị hủy 3.773 triệu đồng, vốn ODA bị hủy 375.356 triệu đồng. KTNN kết luận Dự án chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, tổng số giải ngân từ khi triển khai dự án đến hết ngày 30/6/2022 là 160.836 triệu đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt thấp, chỉ 17,2% trên tổng số vốn được giao là 935.189 triệu đồng.

Cụ thể, Dự án thành phần tại tỉnh Hà Giang gồm có 08 gói thầu xây lắp. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cho 05 gói thầu, còn 02 gói thầu đang chờ ADB chấp thuận kết quả lựa chọn nhà thầu và 01 gói thầu phải hủy đấu thầu do không có nhà thầu nào đáp ứng được các tiêu chí, phải chờ đấu thầu lại.

Trong số 08 gói thầu của Dự án thành phần tại tỉnh Hà Giang, hiện có 02 gói thầu đang thi công với khối lượng thực hiện đạt 9,7 tỷ đồng, bằng 3,67% giá trị hợp đồng; giá trị giải ngân đạt 41 tỷ đồng, bằng 15,53% giá trị hợp đồng.

Theo đánh giá của Tư vấn giám sát, tiến độ thi công các gói thầu thuộc Dự án đến 30/6/2022 chậm so với kế hoạch đăng ký, tiến độ xây lắp và tư vấn mới hoàn thành 8,1% khối lượng công việc.

Nguyên nhân do những khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chậm trễ trong công tác đo đạc, lập bản đồ thu hồi đất và những khó khăn trong việc kiểm đếm chi tiết, lập giá đất thay thế, xây dựng dự thảo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thiếu sự nhất quán, liên kết giữa các bên

Bên cạnh những chậm trễ trong công tác điều chỉnh Dự án do yêu cầu bổ sung yếu tố “xanh” từ nhà tài trợ đối với các gói thầu HG-CW05 và HG-CW08, việc lựa chọn nhà thầu cũng bị chậm trễ. Bởi việc lựa chọn nhà thầu vừa phải tuân thủ quy trình của ADB, vừa phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam nên mất nhiều thời gian hơn.

Hơn nữa, tiến độ còn bị ảnh hưởng do việc thay đổi đánh giá các gói thầu HG-CW02 và HG-CW05 từ hình thức hậu kiểm sang tiền kiểm theo quy trình lựa chọn nhà thầu của ADB; hồ sơ mời thầu gói thầu HG-CW02 và HG-CW08 phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần theo ý kiến của ADB làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.

Trong các nguyên nhân gây chậm tiến độ còn có nguyên nhân địa phương chưa kịp thời bố trí vốn đối ứng để thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các gói thầu; đồng thời, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án về các vướng mắc đối với gói thầu HG-CS01, việc xem xét, xác nhận hồ sơ đề nghị thanh toán gói thầu vẫn chưa hoàn thành, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ cấu nguồn vốn để thanh toán nên Tư vấn giám sát đã dừng hoạt động tại Dự án vào tháng 5/2022.

Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nghiệm thu của các gói thầu và Dự án. Chủ đầu tư đã có các văn bản đôn đốc việc thực hiện Hợp đồng tư vấn. Tuy nhiên, đến nay, các bên chưa thống nhất trong việc điều chỉnh hợp đồng nên Tư vấn giám sát chưa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, Tư vấn giám sát cũng chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác điều chỉnh thiết kế công trình HG-CW06.

Bên cạnh đó, tiến độ của Dự án còn bị ảnh hưởng bởi một số nhân sự do đơn vị Tư vấn đề xuất thay thế nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Hợp đồng nên không được Chủ đầu tư chấp thuận huy động.

Thêm nữa, việc điều phối và huy động các nhân sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được chấp thuận đã không được Tư vấn thực hiện theo quy định.

Đáng chú ý hơn cả là công tác giám sát chất lượng thi công hiện trường, phối hợp hoàn thiện, xác nhận các hồ sơ pháp lý trong quá trình triển khai, nghiệm thu, thanh toán đến thời điểm kiểm toán vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân kế hoạch vốn của Dự án.

Theo báo cáo của Tư vấn giám sát, khối lượng công việc đã thực hiện gói thầu HG-CW06 ước đạt 15%, gói thầu HG-CW07 ước đạt 45% nhưng Tư vấn giám sát mới chỉ xác nhận khối lượng hoàn thành Gói thầu HG-CW06 là 5,6% và chưa xác nhận khối lượng hoàn thành gói thầu HG-CW07.

Ngoài ra, trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt Dự án còn bất cập trong việc xác định cơ cấu nguồn vốn cho một số khoản chi tư vấn quản lý Dự án chưa phù hợp, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong nghiệm thu, thanh toán gói thầu HG-CS01./.

Cùng chuyên mục
Dự án đô thị xanh tại Hà Giang sử dụng vốn chưa hiệu quả