Giá hàng xuất khẩu của Việt Nam đang lợi thế hơn

(BKTO) - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, tỷ giá thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức giảm thấp hơn mức giảm của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu.

ns(1).jpg
Chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm xuất khẩu tăng 6,23%. Ảnh minh họa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II/2024 ước tăng 1,59% so với quý trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 3,91% và tăng 7,74%; nhóm nhiên liệu tăng 4,39% và tăng 1,36%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,21% và giảm 3,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa ước giảm 1,95% so với cùng kỳ năm trước, với chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 6,23%; nhóm nhiên liệu giảm 2,76%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 2,88%.

Chỉ số giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của một số mặt hàng: Giá xuất khẩu phân bón giảm 16,46% do giá nguyên liệu sản xuất phân bón có xu hướng giảm và nguồn cung được đảm bảo từ Trung Quốc và Nga; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 8,78% do giá nguyên liệu đầu vào giảm.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 5,42%; xăng dầu giảm 5,67%; hàng thủy sản giảm 7,21%; sắt, thép giảm 7,92%.

Ở chiều ngược lại, giá xuất khẩu cà phê tăng 39,79%; giá xuất khẩu gạo tăng 18,33%; giá xuất khẩu hạt tiêu tăng 13,31%; giá cao su tăng 11,86%; chè tăng 10,13%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 7,99%.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý II/2024 ước giảm 0,21% so với quý trước và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,15% và giảm 5,78%; nhóm nhiên liệu giảm 1,37% và giảm 14,23%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,15% và giảm 2,13%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa ước giảm 2,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm nông sản, thực phẩm giảm 6,82%; nhóm nhiên liệu giảm 17,55%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,82%.

Chỉ số giá nhập khẩu một số mặt hàng 6 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước như: Than đá giảm 33,23%; lúa mì giảm 16,63%; hàng thủy sản giảm 9,26%; sắt, thép giảm 7,97%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu giảm 6,8%; xăng dầu các loại giảm 1,9%. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu hàng rau quả tăng 3,16%; dây điện và dây cáp điện tăng 2,02%.

Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT) quý II/2024 ước tăng 1,8% so với quý trước và tăng 0,53% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ giá thương mại hàng hóa ước tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao su tăng 10,27%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,51%; hàng thủy sản tăng 2,26%; sắt, thép tăng 0,05%; hàng rau quả giảm 1,15%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,87%; xăng dầu giảm 3,85%.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, tỷ giá thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức giảm thấp hơn mức giảm của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu.

Cùng chuyên mục
Giá hàng xuất khẩu của Việt Nam đang lợi thế hơn