Nuôi biển còn gặp nhiều khó khăn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng ngành thủy sản vẫn đứng vững, trong đó có vai trò quan trọng của ngành nuôi trồng thủy, hải sản trên biển.
“Với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, nuôi biển có nhiều tiềm năng để phát triển và mang lại giá trị kinh tế, đóng góp lớn” - Thứ trưởng nhấn mạnh; đồng thời cho biết, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 đã mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển lĩnh vực này.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD. Trong đó, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Cùng với cá biển, cá tra, đây cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nuôi biển.
Thông tin cụ thể, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết, từ các chính sách, chương trình được ban hành đã từng bước thúc đẩy nuôi biển phát triển. Một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… Nhờ đó, đến năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000 hécta, sản lượng đạt gần 750.000 tấn (tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm); năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.
“Ngành nuôi biển mang lại giá trị kinh tế lớn cho các thành phần kinh tế, đóng góp quan trọng vào mục tiêu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam” - ông Luân cho biết.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển ngành nuôi biển tại nước ta vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Đơn cử như tại hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa - 2 địa phương hiện chiếm đến 90% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nôi tôm hùm của cả nước, công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự pháp, quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi liên kết giá trị; phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc…
Thực trạng này cũng được nhiều chuyên gia chỉ ra khi hàng chục nghìn tổ chức, cá nhân đang sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho rằng, công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế cũng đang tạo ra rào cản cho phát triển ngành.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…
Cấp thiết chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi biển
Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ NNPTNT đặt ra.
Phát triển nuôi biển cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Việt Nam đang nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC).
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU cho biết, qua 4 lần thanh tra, EC khẳng định, quá trình gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực, song vẫn chưa đạt được tất cả yêu cầu đề ra.
Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ kinh tế, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, việc EC chưa gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam gây thiệt hại lớn về giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD năm 2020 do ảnh hưởng của “thẻ vàng”).
“Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, thậm chí khi bị chuyển sang “thẻ đỏ” ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm” - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đưa cảnh báo.
Sau đợt thanh tra mới đây (tháng 10/2023), EC khuyến cáo Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi, trồng trên biển.
Tuy nhiên, để làm được việc này, bên cạnh việc tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước, lãnh đạo Cục Thủy sản cho rằng cần xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn, xem xét có các giải pháp hỗ trợ ngư dân, giải quyết việc làm, thu nhập cho ngư dân khi chuyển đổi nghề.
Năm 2023, ngành thủy sản đề ra chiến lược chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững. Mục tiêu là kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, với tổng sản lượng đạt khoảng 8,74 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng đạt 5,16 triệu tấn.
Do đó, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển; tăng nuôi biển để phát triển ngành thủy sản đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với việc bảo vệ tính đa dạng sinh học của môi trường sinh thái biển.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cơ sở nuôi cần tăng cường đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường tiềm năng…