(BKTO) - Vốn đầu tư trực nước ngoài (FDI) là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc hoàn thiện chính sách đến khâu thực thi.




Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI. Ảnh: TTXVN

Chính sách ưu đãi đầu tưchưa ổn định, nhất quán,DN FDI còn chuyển giá,trốn thuế

Những năm qua, tổng vốn FDI đăng ký vào các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất lớn, góp phần đáng kể vào tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Đến năm 2019, vốn FDI đăng ký đầu tư vào TP. HCM khoảng 48 tỷ USD (chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư), Bình Dương 34 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư)... Việc thu hút vốn đầu tư FDI đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ với tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của địa phương. Kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành này ngày càng tăng, chủ yếu từ DN FDI. Hiệu quả hoạt động của các DN FDI có tác động lan tỏa đến các thành phần khác của nền kinh tế. Việc thu hút các dự án FDI cũng góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế như: hiện tượng chuyển giá, trốn thuế tại các DN nước ngoài, DN FDI kê khai lỗ, trong đó, không ít DN thua lỗ liên tục nhiều năm và thậm chí luôn báo lỗ ngay từ khi bắt đầu kinh doanh.

Mặt khác, chính sách ưu đãi đầu tư chưa ổn định, nhất quán. Quy định về dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng chưa đồng nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật Thuế TNDN không thống nhất qua các thời kỳ. Chẳng hạn, trước năm 2009, Luật Thuế TNDN có ưu đãi cho dự án đầu tư mở rộng nhưng từ năm 2009-2013 không ưu đãi cho dự án này và từ năm 2014 đến nay lại tiếp tục ưu đãi. Một số văn bản hướng dẫn xác định tiêu chí đánh giá, lựa chọn dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao để được đầu tư trong khu công nghệ cao và hưởng ưu đãi đầu tư chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn khi thực hiện, cơ quan cấp phép đầu tư trong khu công nghệ cao khó xác định dự án nào được hưởng ưu đãi, dự án nào không.

Hạn chế nữa là công tác kiểm tra việc triển khai dự án FDI sau khi được cấp phép chưa hiệu quả. Việc kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đầu tư FDI chủ yếu căn cứ vào báo cáo của DN FDI; chưa quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan nhà nước khi thực hiện hậu kiểm cũng như chế tài khi nhà đầu tư thực hiện không đúng tiến độ…

Việc thực hiện chính sách ưu đãi tiền thuê đất đối với DN FDI còn nhiều bất cập. Một số địa phương áp dụng chính sách ưu đãi về đất đai cho các DN FDI chưa đúng quy định. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nhiều trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chí được đầu tư trong khu công nghệ cao theo quy định…

Ngoài ra, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm quản lý, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ lao động Việt Nam trong khu vực DN FDI còn rất thấp…

Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, nhất quán, dễ hiểu, dễ thực hiện

Để khắc phục những hạn chế trên và nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, trước hết, Quốc hội, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính về đầu tư nước ngoài theo hướng đồng bộ, nhất quán, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chính sách ưu đãi đầu tư cần đảm bảo thống nhất các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn của việc đánh giá, lựa chọn dự án đầu tư được cấp phép vào các khu kinh tế, khu công nghệ cao hay được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất.

Thứ hai, tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tạo điều kiện cho DN hoạt động có hiệu quả, đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; tăng cường hậu kiểm với các dự án FDI sau khi được cấp phép.
Thứ ba, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá, sửa đổi một số quy định về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết; tăng mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi chuyển giá để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về dự án đầu tư và DN FDI.

Thứ tư, rà soát các ưu đãi về đất đai để đảm bảo đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác. Cụ thể các tiêu chí để xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi về đất đai; áp dụng chính sách trong trung và dài hạn. Tăng cường kiểm tra việc ưu đãi, miễn, giảm tiền thuê đất đối với DN nước ngoài, theo dõi tiến độ dự án và báo cáo kịp thời để có phương án xử lý.

Thứ năm, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý vốn FDI...

Đối với KTNN, cần xây dựng quy trình, hướng dẫn kiểm toán chống chuyển giá, thực hiện kiểm toán chuyên đề chống chuyển giá đối với các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý, thu thuế. Việc thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá của các DN FDI cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan liên quan nhằm thu thập đầy đủ thông tin, giúp KTNN xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về DN FDI, xác định được các đối tượng, chủ thể trong giao dịch chuyển giá.

Bên cạnh đó, KTNN cần kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, đất đai và các ưu đãi khác cho dự án FDI thông qua kết quả kiểm toán; kiến nghị hoàn thiện, đồng bộ văn bản pháp luật từ T.Ư tới địa phương. Đồng thời, KTNN lồng ghép nội dung kiểm toán việc thực hiện các dự án FDI sau khi được cấp phép trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.

(Lược ghi tham luận của ThS. DOÃN ANH THƠ - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV - tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của KTNN”)
Cùng chuyên mục
Giải pháp tăng cường thu hút vốn FDI