Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa: Việt Nam chung tay cùng thế giới

(BKTO) - Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Là quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của vấn đề này, Việt Nam khẳng định quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế tiến tới đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa.

z4395780059857_95720c4e4f382c3e3b940be0134b91b5.jpg
Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh minh họa

Mỗi năm, Việt Nam thải 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19-23 triệu tấn nhựa được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính, mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28-0,73 triệu tấn. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới - Báo cáo “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” năm 2022 của Ngân hàng Thế giới cho hay. Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất thải nhựa là loại phổ biến thu gom được trong các khảo sát thực địa, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng. Trong đó, phần lớn là rác bao bì thực phẩm mang đi (chiếm 44% về số lượng), chất thải liên quan nghề cá (chiếm 33%) và rác thải hộ gia đình (chiếm 22%). Khảo sát cũng cho thấy, 10 loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 81% tổng lượng rác thải nhựa, hầu hết trong số này là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Túi nhựa và các mảnh vỡ từ túi, hộp xốp đựng thực phẩm và ống hút là 1 trong 5 loại nhựa hàng đầu xuất hiện nhiều nhất trong môi trường (chiếm 38%)…

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề này, GS,TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) - nhấn mạnh, nguyên nhân của thực trạng này là do các giải pháp của Việt Nam để ngăn chặn tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn chưa được giải quyết, trong khi các nước dùng mọi cách chỉ sử dụng các đồ nhựa tái chế được, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Mặc dù Việt Nam đã có chủ trương tương tự, song thực hiện trên thực tế vẫn không giảm. Thêm vào đó, vấn đề phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện. Chưa kể, ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam cũng chưa cao nên chưa xử lý được tận gốc vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

Việt Nam sẽ tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Để giảm thiểu rác thải nhựa, theo GS,TSKH. Đặng Hùng Võ, trước hết, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, các đồ nhựa nếu dùng thì phải dùng nhiều lần và có khả năng tái chế. Thứ hai, việc phân loại rác tại nguồn phải được thực hiện triệt để. Chúng ta phải tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, nếu dùng đồ nhựa thì phải thu lại các rác thải đó để có điều kiện xử lý triệt để.

Những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý chủ trương Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và giao Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án và tiến hành đàm phán. Việc các quốc gia cùng tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa là đề nghị của UNEP. Theo đó, Thỏa thuận này sẽ hướng đến việc chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn.

Gần đây, nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, Bộ TNMT đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cùng với các cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc thực hiện hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025" và Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa cũng được Bộ TNMT khuyến khích. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường và doanh nghiệp tái chế cũng được nhấn mạnh. Bộ cũng đề xuất tăng cường truyền thông và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại nguồn.

Đặc biệt, vào ngày 27/5 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Pháp - ông Đinh Toàn Thắng - đã đại diện Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa tại trụ sở UNESCO ở Thủ đô Paris (Pháp). Trong sự kiện quan trọng này, ông đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật và các chính sách thúc đẩy tái chế sản phẩm nhựa, hạn chế rác thải nhựa xuất hiện trong môi trường, cùng các nước chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa./.

Ngày Môi trường thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.

Cùng chuyên mục
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa: Việt Nam chung tay cùng thế giới