Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Bốn ưu tiên cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

(BKTO)- Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay (5/12), ông Ousmane Dione- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh 4 ưu tiên chính trong chương trình cải cách hiện nay của Việt Nam, nhằm thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng của đất nước, không chỉ về mặt số lượng mà quan trọng nhất là về chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng.



                
   

Ông Ousmane Dione- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ảnh: ST

   
Theo đó, ưu tiên cải cách đầu tiên đượcông Ousmane Dione đề cập, đó là cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho DN tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý.

Song song đó, cải cách DNNN nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị DN, thông qua Ủy ban quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai. Theo đó, cần quan tâm không chỉ số lượng, mà là vấn đề chất lượng. Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia như Đường cao tốc Bắc- Nam, Đường sắt, Sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức.

Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam. Một khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) vững chắc có thể giúp giải quyết vấn đề này, cải cách cơ cấu mạnh mẽ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, như sản xuất điện, có thể giúp thiết lập thị trường cạnh tranh cho dịch vụ cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Thứ ba, chúng ta không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Như vậy, đầu tư vào vốn nhân lực sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận theo toàn bộ chu kỳ với những nỗ lực phối hợp hiệu quả để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, giáo dục suốt đời và đào tạo kỹ năng.

Trong Chỉ số Vốn Con người mới công bố gần đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 nước. Đây là thành tựu lớn và Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong giáo dục phổ thông. Nhưng còn cần những kiến thức và kỹ năng của thế kỷ XXI để năng suất lao động cao hơn. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề. Ngoài ra, việc xây dựng một khuôn khổ thể chế và cơ chế khuyến khích hiệu quả để đổi mới- lấy các công ty tư nhân làm trung tâm- cũng có tác động lớn đến sự phát triển trong tương lai.

Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Có thể thấy rõ điều này với sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao.

Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Vì vậy, hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.

Để thực hiện 4 nội dung ưu tiên này, ông Ousmane Dione cho rằng: Cần những thể chế của Nhà nước có năng lực và hiệu quả. Thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển. Hơn nữa, khi Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, những thách thức phát triển sẽ ngày càng phức tạp và mang tính đa ngành hơn nữa. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ban ngành cũng như giữa các cơ quan trung ương và địa phương hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết.

Việt Nam cũng sẽ phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm của mình một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng. Tăng cường huy động vốn từ nguồn thu trong nước, bổ sung bằng những nỗ lực nâng cao hiệu quả chi tiêu và năng lực quản lý nợ, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu phát triển mà không tăng nợ. Cùng với đó, nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Hỗ trợ phát triển năng lượng  bền vững tại Việt Nam
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 26/11, Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã tổ chức Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet cùng Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại diện cấp cao đến từ các đại sứ và đại diện từ khu vực công, các tổ chức phát triển, công ty tư nhân và tổ chức xã hội.
  • ADB hỗ trợ hơn 100 triệu USD hiện đại hóa hệ thống thủy lợi
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Ngày 27/11, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, Ngân hàng này đã phê duyệt khoản tài trợ hơn 100 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam lắp đặt 8 hệ thống thủy lợi hiện đại ở 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, giúp cải thiện năng suất nông nghiệp, nhất là đối với những người nông dân canh tác các loại cây có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, nho, thanh long và xoài.
  • Ứng dụng công nghệ cao  chưa tạo đà cho nông nghiệp “cất cánh”
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp đã đem lại những hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư công nghệ hiện đại, những mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) chưa tạo được đột phá để giúp nền nông nghiệp “cất cánh”.
  • Hạn chế về chính sách đất đai cản trở đầu tư vào nông nghiệp
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tích tụ đất đai là khâu tiền đề trong đột phá phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, thực trạng đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn manh mún, phân tán; DN thuê đất để sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do những rào cản về chính sách, tạo thành thách thức lớn trong việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
  • Ngăn ngừa tình trạng lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Kéo dài quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động thêm 2 năm, đồng thời không trả tiền ký quỹ với lao động xuất khẩu bỏ hợp đồng được xem là những đề xuất nhằm siết chặt tình trạng lao động “chui” của Việt Nam tại Hàn Quốc... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho biết, hiệu quả từ cách làm này sẽ được xem xét và mở rộng áp dụng đối với lao động tại các thị trường khác.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Bốn ưu tiên cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững