Giảm nợ xấu bằng cách nào?

(BKTO) - Nợ xấu của các ngân hàng cũng như toàn hệ thống có xu hướng tăng lên trong năm 2023. Vấn đề này được các chuyên gia nhận định tiếp tục là nỗi lo và áp lực của các ngân hàng trong năm 2024 khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn…

no-xau-2.jpg
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng cao. Ảnh minh họa

Nợ xấu tăng 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), biến động từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm. Vì vậy, nợ xấu có xu hướng tăng dù đã được các tổ chức tín dụng xử lý. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022. 

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, bên cạnh con số lợi nhuận, vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm là số liệu nợ xấu trong báo cáo tài chính. Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng là 195.000 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm.

Tính đến cuối năm 2023, hầu hết nợ xấu tại các ngân hàng đều tăng, thậm chí có nhà băng tăng mạnh. Điển hình, nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) lên tới 5.887 tỷ đồng, tăng 2.843 tỷ đồng, tương ứng 93,4% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 2.165 tỷ đồng lên 3.898 tỷ đồng, tương ứng đà tăng 1.733 tỷ đồng. Như vậy, cả nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn tại ACB đều tăng rất mạnh, gần gấp đôi trong năm 2023.

Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), tổng số nợ xấu là gần 916 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2022. Tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022. Trong khi đó, nợ xấu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 12.455 tỷ đồng, tăng 59,9%.

no-xau.jpg
Hầu hết nợ xấu tại các ngân hàng đều tăng tính đến cuối năm 2023. Ảnh minh họa

Tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tính đến cuối năm 2023 là 22.229 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2022. Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), số dư nợ xấu từ 15.824 tỷ đồng cuối năm trước lên 16.608 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2023 là 16.608 tỷ đồng, tăng 5%. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có nợ xấu cao nhất hệ thống với mức 28.344 tỷ đồng, tăng 12,8%.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng nhóm ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán KBSV cũng nhấn mạnh việc Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) hết hiệu lực vào tháng 6 tới, điều này sẽ khiến các khoản nợ tái cơ cấu trước đây về đúng nhóm phân loại nợ. Như vậy, nợ xấu có khả năng "phình to" trong năm 2024. Đồng thời, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không còn nhiều.

Cần thêm nhiều biện pháp kịp thời

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 dịp đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) quan ngại áp lực nợ xấu sẽ rất lớn khi những khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02 sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 tới. Do vậy, đại diện Agribank kiến nghị gia hạn Thông tư này.

Nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2024 khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6. Lúc đó, các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm và nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống có thể tăng đột biến.

PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank – cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể phục hồi, doanh nghiệp không thể trả nợ, xem xét kéo dài Thông tư 02 là cần thiết. Tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền kinh tế lớn giảm lãi suất, tốc độ hồi phục của nền kinh tế từ nay đến hết tháng 6, triển vọng phát triển kinh tế…

Biện pháp nữa đối với việc xử lý nợ xấu, theo ông Thành, vẫn là tăng cường trích lập dự phòng ở các ngân hàng. Nửa đầu năm sẽ là thời điểm ngân hàng tập trung vào việc gia cố bộ đệm dự phòng để tăng cường xử lý nợ xấu vào nửa cuối năm 2024, khi tình hình kinh tế được dự báo tốt hơn.

Giải quyết nợ xấu không chỉ cần nỗ lực từ phía ngành ngân hàng mà còn cần thêm những biện pháp của các Bộ, ngành khác. Theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trước hết là cần xử lý dòng tiền bằng cách kích cầu để doanh nghiệp có thể trả nợ. Khi doanh nghiệp có đơn hàng, hợp đồng, hoạt động kinh doanh bình thường trở lại thì sẽ có nguồn tiền trả nợ. Mặt khác, thị trường bất động sản đóng băng cũng sẽ gây không ít khó khăn cho việc xử lý nợ xấu bởi hơn 90% tài sản bảo đảm của các ngân hàng là bất động sản.

Vì vậy, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cần có các chính sách để hỗ trợ và khơi thông nguồn vốn ở thị trường này, kèm theo đó là thay đổi các quy định về phát mãi tài sản bảo đảm theo hướng tinh gọn và rút ngắn thời gian hơn so với hiện tại nhằm giúp ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn và khơi thông nguồn vốn tồn đọng từ các nợ xấu này./.

NHNN đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, NHNN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế một số điều khoản tại Thông tư 19 cho phù hợp với quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng 2024 nhằm tạo cơ sở pháp lý để VAMC mua, bán, xử lý nợ đúng quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường: được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ; trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại NHNN...

Cùng chuyên mục
Giảm nợ xấu bằng cách nào?