Giúp các ngân hàng thương mại nhà nước thoát cảnh “đói” vốn

(BKTO) - Cùng với việc tích cực xử lý nợ xấu, để nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép bố trí nguồn tăng vốn cho các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước vào danh mục đầu tư công trung hạn nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn đang ở mức “cấp bách” của các ngân hàng.



Ngân hàng thương mạinhà nước khó tăng vốn

Tại Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, đại diện các ngân hàng tiếp tục nêu lên những khó khăn trong tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính của các TCTD.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), tình trạng vốn của Vietcombank nói riêng và 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nói chung đang “cấp bách hơn bao giờ hết”. Hiện nay, hệ số an toàn vốn, dù chưa áp dụng theo Basel II đã chạm ngưỡng thiếu an toàn; nếu áp dụng theo Basel II, tỷ lệ này đã vi phạm ngưỡng an toàn. Trong khi đó, hướng bán cổ phần tăng vốn hiện gặp khó khăn do cơ chế quy định về giá bán không thấp hơn giá qua định giá và giá trên thị trường; mặt khác, do bán lô lớn và nhà đầu tư bị khống chế chuyển nhượng trong một năm nên khó thu hút nhà đầu tư. Chủ tịch Vietcombank đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép các ngân hàng TMCP Nhà nước được giữ lại cổ tức hằng năm để tăng vốn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Trịnh Ngọc Khánh cũng nêu ra những ảnh hưởng do hạn chế vốn điều lệ. Là ngân hàng 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn của Agribank chủ yếu dựa vào NSNN. Từ năm 2011, Agribank đã tăng 8.300 tỷ đồng vốn điều lệ. Vốn điều lệ hiện nay của Ngân hàng là 30.000 tỷ đồng - thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Điều này dẫn tới năng lực tài chính hạn chế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp, ảnh hưởng việc triển khai hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) - cho biết, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang gặp khó khi nâng vốn điều lệ là do Nghị quyết số 25/2016/QH14 và Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội trước đây đã không cho phép sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Nguồn ngân sách để tăng vốn cho ngân hàng cũng không có trong danh sách đầu tư trung hạn.

Sẽ trình Quốc hội phương án tăng vốn cho các ngân hàng

Trước thực tế trên, NHNN kiến nghị Chính phủ nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II.

Theo đó, NHNN kiến nghị Chính phủ chấp thuận về chủ trương, kế hoạch vốn và phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước của từng năm tài chính giai đoạn 2018-2020 và cơ chế tăng vốn để bù đắp mức thiếu hụt vốn dự kiến theo từng năm tài chính của các ngân hàng theo các thứ tự ưu tiên. Đồng thời, NHNN cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp nghiên cứu xử lý các vướng mắc pháp lý, báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các nghị quyết của Quốc hội hoặc bổ sung vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2019 theo hướng cho phép sử dụng NSNN để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước (ngoại trừ các ngân hàng thương mại mua bắt buộc) và đưa nhu cầu bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại vào danh mục đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, NHNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo 2 Bộ trên lập dự toán chi ngân sách hằng năm cho các khoản mục cấp bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước; bố trí nguồn và cấp vốn để các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện phương án tăng vốn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước áp lực tăng vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đã làm việc với Bộ Tài chính về kế hoạch ngân sách năm nay và đang bàn với cơ quan Quốc hội để trình phương án. Cùng với việc khuyến khích các ngân hàng tiết kiệm chi phí để giữ được nhiều lợi nhuận, giúp tăng vốn trong năm nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay là năm chúng ta phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Ngoài việc cổ phần hóa Agribank, bán vốn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Vietcombank, Chính phủ cũng đang tìm giải pháp để tăng vốn cho 4 ngân hàng.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu, phấn đấu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Trong đó, 3 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Vietcombank, BIDV, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ phải thực hiện tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51% vào năm 2025.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 36 ra ngày 06-9-2018
Cùng chuyên mục
  • Tăng cường giám sát  trong cải cách hành chính
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thời gian qua, công tác giám sát việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) đã được đẩy mạnh, qua đó góp phần giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân, DN.
  • Trái phiếu chính phủ - kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thị trường trái phiếu và trái phiếu chính phủ (TPCP) đang ngày càng được quan tâm bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) - đã trả lời báo chí về các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển thị trường TPCP trong thời gian tới. Phóng viên Báo kiểm toán đã ghi lại nội dung cơ bản cuộc trao đổi này.
  • Đầu tư các dự án hạ tầng đô thị: Thực trạng và giải pháp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng các dự án hạ tầng đô thị (HTĐT) đã góp phần đổi mới bộ mặt đô thị, từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân và tạo lập một nền tảng phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án HTĐT đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, rất cần các giải pháp đồng bộ để khắc phục và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án này.
  • Phát huy hào khí của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi đó Đảng ta mới thành lập 15 năm, có chưa đến 5.000 đảng viên; là thắng lợi của nghệ thuật nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về cho nhân dân.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dự báo năm 2018 đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 30/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2018.
Giúp các ngân hàng thương mại nhà nước thoát cảnh “đói” vốn