Gỡ “thẻ vàng” để thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững

(BKTO) - Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD, trong đó, ngành tôm đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2,3 tỷ USD và hải sản 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu trên.



Dính “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản gặp khó

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 5/2019, xuất khẩu thủy sản đạt 176.000 tấn, trị giá 750 triệu USD, giảm 0,33% về lượng và giảm 1,64% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 1,82% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 748.200 tấn, trị giá 3,173 tỷ USD.

Lý giải sự sụt giảm trên, nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó, những nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh. Dự báo, tình hình xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới còn tùy vào nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản với 12 loài thủy sản quy định sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, thủy sản vào được thị trường này phải đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ nuôi trồng hay đánh bắt. Ngay cả thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường này ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Thực tế, sau 2 năm thủy sản Việt Nam bị EC áp dụng “thẻ vàng”, Chính phủ, các Bộ, ngành đã vào cuộc rất quyết liệt, tuy nhiên, việc triển khai công tác khắc phục “thẻ vàng” của các địa phương vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều vấn đề được EC khuyến nghị vẫn chưa khắc phục xong. Cụ thể, hạ tầng neo đậu tránh, trú bão chưa đáp ứng yêu cầu; việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề cá chưa được quan tâm; việc xác nhận của các lực lượng chức năng đối với các tàu cá ra khơi đánh bắt chưa chặt chẽ, còn bị coi nhẹ; ghi chép báo cáo về hoạt động, địa điểm khai thác mới đạt 21,2%.

Đáng lo ngại là việc khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn diễn ra khá phức tạp. Thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trong 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có tới 16 vụ, 26 tàu với 96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Nhanh chóng thực hiện các khuyến nghị của EC

Đại diện một số địa phương ven biển phía Nam cho rằng, khó khăn nhất để thực hiện các khuyến nghị từ EC là nhiều ngư dân chưa nhận thức mối nguy hại từ việc đánh bắt thủy sản trái phép. Bên cạnh đó, việc xử phạt các ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu vi phạm còn quá nhẹ, mang tính chất hành chính. Hơn nữa, việc xử phạt vi phạm đang tùy theo từng tỉnh, mỗi nơi một kiểu.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về giải pháp giúp nông - thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững ra thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay, EC đưa ra “thẻ vàng” với Việt Nam liên quan quy định IUU - định chế pháp luật của EC nhằm ngăn chặn khai thác bất hợp pháp, không đúng quy cách, quy ước để đảm bảo phát triển bền vững của đại dương và kinh tế biển. Những khuyến nghị này hoàn toàn phù hợp với Việt Nam nhằm tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững. Việt Nam đã có nhiều nhóm giải pháp như phê duyệt Luật Thủy sản mới, từ đó, ban hành được các văn bản sau Luật gồm 2 nghị định và 8 thông tư liên quan. Ngoài ra, các cấp chính quyền 28 tỉnh duyên hải đã tăng cường tuyên truyền với ngư dân và các thành phần kinh tế tham gia khai thác biển. Điều này giúp các vi phạm về khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương không còn xuất hiện trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cường, vẫn còn một phần sai phạm liên quan đến khu vực biển phía Nam, khách quan là do các vùng biển chồng lấn, chủ quan là do một số ngư dân vẫn còn vi phạm, kể cả trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019. Trong thời gian tới, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản bền vững, Việt Nam cần thực hiện 9 khuyến nghị của EC và phát triển nuôi trồng, tái cơ cấu sâu rộng hơn, tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ từ nuôi trồng, chế biến đến thương mại; tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp ở từng nhóm ngành hàng. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng trên biển.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhìn từ các doanh nghiệp niêm yết uy tín
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019 của nhóm cổ phiếu Blue chip (cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường) chính thức được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 21/6.
  • Xuất khẩu tía tô sang Nhật Bản: Hành trình gian nan, giá trị vững vàng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - “Gói ghém trong giá trị của từng lá tía tô xuất khẩu lên tới 700 đồng/lá phải là sự chuẩn mực đến từng chi tiết mà không phải bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được”. Đó là điều mà chúng tôi rút ra được khi đến thăm trang trại trồng tía tô xuất khẩu của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) vào một buổi chiều tháng 6.
  • Xử lý tin đồn - Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt!
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn, phức tạp, các thành viên thị trường, nhất là nhà đầu tư và DN niêm yết cần bình tĩnh để đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả.
  • EVN quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giai đoạn 2019-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn theo định hướng của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  • Việt Nam đang đứng trước nguy cơ  khủng hoảng tài nguyên nước
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã xác định tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước là mối đe dọa lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự báo đến năm 2035, vấn đề ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn thất cho nước ta khoảng 3,5% GDP mỗi năm.
Gỡ “thẻ vàng” để thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững