Grant Thornton cảnh báo doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn

(BKTO) - Hãng kiểm toán Grant Thornton (GT) mới đây đã đưa ra lời cảnh báo, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) quy mô trung bình đã, đang và sẽ tiếp tục phải chống chọi với tình hình căng thẳng tài chính khắc nghiệt hơn trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng.



                
   

GT công bố kết quả cuộc khảo sát vào đầu tháng 8/2022. Ảnh: GT

   

GT đã thực hiện một cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến của 616 nhà lãnh đạo DN tầm trung vào đầu tháng 8/2022 và chỉ ra rằng, cứ 8 DN thì 1 DN thừa nhận không có đủ vốn lưu động để đối phó với tình trạng lạm phát có thể tăng lên tới gần 11%. Một nửa trong số các lãnh đạo của 8 DN này cho biết cần phải cơ cấu lại hoạt động và xem xét lại số nhân viên của họ trong trường hợp lạm phát gia tăng hơn nữa.

Hơn một nửa số người được hỏi (59%) cho rằng, nền kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái trước cuối năm 2022. Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán lạm phát có thể tăng lên hơn 13% trước khi năm 2022 kết thúc; 3/4 (74%) số người được hỏi kỳ vọng việc tăng chi phí hoạt động sẽ có tác động tích cực đáng kể đến lợi nhuận của họ trong năm nay. Hầu hết những người được khảo sát đều nhận thấy chi phí tăng trên diện rộng. Trong đó, chi phí cho công nghệ, năng lượng và tiền lương, phúc lợi cho nhân viên tăng mạnh nhất.

Grant Thornton cho biết, nhiều DN đã thực hiện các biện pháp khắc phục để quản lý chi phí gia tăng và bảo vệ tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Hơn 1/3 DN đã thông qua việc tăng giá cho khách hàng của họ (38%), hoãn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (37%) và thương lượng lại các thỏa thuận với nhà cung cấp (36%).

Ông Chris Petts, đối tác của GT tại Anh cho biết: “Thật khó tin khi lạm phát đã tăng từ 3% vào tháng 8 năm ngoái lên hơn 10% hiện nay. Từ trước đại dịch tới nay, lãnh đạo các DN tại Anh đã phải đối mặt với nhiều bất ổn, nhiều rủi ro không thể đoán trước được. Nhiều DN thường xuyên phải xem xét và đánh giá lại chi phí thay vì thực hiện các cuộc đánh giá hàng năm. Trong nhiều trường hợp, các DN phải thảo luận hàng ngày với nhà cung cấp và khách hàng.

Việc trao đổi thường xuyên này nêu bật nhu cầu của các DN để có được các mối quan hệ và thông tin liên lạc chặt chẽ với khách hàng và nhà cung cấp; giúp giảm sự phụ thuộc vào chi phí cố định, giúp gia tăng lợi nhuận, mang đến cơ hội phát triển các giải pháp sáng tạo, các giải pháp bền vững để phản ứng nhanh với mọi sự thay đổi và giúp duy trì sự ổn định trong chuỗi cung ứng”./.

Tuệ Lâm
Cùng chuyên mục
Grant Thornton cảnh báo doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn