Hà Giang: Thu ngân sách gặp khó

(BKT) - Theo dự báo, năm 2023, khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Hà Giang chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán Trung ương (T.Ư) giao, bằng 67,4% dự toán tỉnh giao.

hg-3010.jpg
Hà Giang dự kiến có 6/12 địa bàn hụt thu từ 12 - 249 tỷ đồng tiền thuế, phí (trừ thu tiền sử dụng đất) trong năm 2023. Ảnh: ST

Thu ngân sách giảm do nhiều nguyên nhân

Năm 2023, Hà Giang được T.Ư giao tổng thu NSNN 2.226 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao 3.000 tỷ đồng. Trong đó, thu NSNN từ tiền sử dụng đất được T.Ư giao 300 tỷ đồng (chiếm 13,4% dự toán giao), HĐND tỉnh giao 800 tỷ đồng (chiếm 26,6% dự toán giao).

Trong 9 tháng của năm 2023, thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch T.Ư giao và 45,3% kế hoạch tỉnh giao, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, khả năng thực hiện dự toán thu NSNN năm 2023 của Hà Giang chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán T.Ư giao, 67,4% dự toán tỉnh giao. Dự kiến, 6/12 địa bàn hụt thu từ 12 - 249 tỷ đồng tiền thuế, phí (trừ thu tiền sử dụng đất) gồm, huyện Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, Mèo Vạc và Văn phòng Cục Thuế tỉnh.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến số thu NSNN đạt thấp như việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế theo quy định của T.Ư để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, làm giảm thu khoảng 190,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm 2022, toàn tỉnh có đến 4.565 lượt người nộp thuế nghỉ kinh doanh, tăng 23,8%. Nhiều doanh nghiệp thủy điện không đạt công suất phát điện (do lượng nước những tháng đầu năm ít); thực hiện bảo trì, bảo dưỡng làm tăng chi phí dẫn đến kê khai thuế giảm như: Công ty Cổ phần Thủy điện Thái An giảm 51,2%, nộp thuế giảm 17 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa giảm 56,3%, nộp thuế giảm 10 tỷ đồng.

Riêng với khoản thu tiền sử dụng đất, toàn tỉnh mới thu được 78 tỷ đồng, giảm 108 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn...

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

Trước thực tế trên, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2023.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - NSNN, trọng tâm là công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN; đầu tư công, tài sản công, quản lý giá, thẩm định giá; tăng cường công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước.

UBND tỉnh yêu cầu cơ quan thu và UBND 11 huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác quản lý các khoản thu nộp NSNN theo quy định. Thường xuyên đánh giá, phân tích, dự báo những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, những khoản hụt thu do tác động bởi cơ chế chính sách và nguyên nhân khách quan để có giải pháp tăng thu các khoản còn dư địa, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN gắn với tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào những doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao, hoạt động tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế...

Sở Tài chính đã phối hợp với cơ quan liên quan rà soát nhiệm vụ chi bố trí dự toán giao đầu năm 2023 nhưng đến nay chưa thực hiện hoặc không có khả năng giải ngân để tham mưu UBND tỉnh cắt giảm, giãn hoãn, dành nguồn lực bù hụt thu cân đối NSNN; đồng thời tập trung các nguồn lực, xây dựng phương án để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023./.

Cùng chuyên mục
Hà Giang: Thu ngân sách gặp khó