Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục
Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 cấp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2022-2023 là năm học quay lại trạng thái bình thường mới sau 2 năm tổ chức dạy và học trong điều kiện chống dịch Covid 19.
Đây cũng là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, song song với việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Nhiệm vụ đặt ra với ngành là vừa phải tiếp tục giữ vững chất lượng của Chương trình giáo dục hiện hành, vừa phải thích nghi và nhanh chóng làm chủ Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hà Nội đứng số 1 về số học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 chung toàn Thành phố đạt 99,56%, đứng thứ 16 cả nước, tăng 11 bậc so với năm học trước.
Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ nhưng nhìn chung, các nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của Chương trình mới và nhu cầu học tập của học sinh. Việc tổ chức dạy học về cơ bản đã được các nhà trường thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở.
Một điểm nổi bật trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục đó là việc tổ chức day học theo hướng trải nghiệm đã được nhiều nhà trường quan tâm. Ngoài ra, các nhà trường cũng nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT.
Chương trình giáo dục phổ thông 2006: định hướng trang bị kiến thức, kỹ năng; phương pháp dạy học cơ bản vẫn còn nặng về trang bị kiến thức và kĩ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức). Phương pháp dạy học chủ yếu tích cực hóa hoạt động học tập; chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm “Học qua làm”.
Chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 10 điểm mới quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, bao gồm: Quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò của sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.
Năm học 2023-2024, đối với cấp THPT, Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá. Các trường chủ động rà soát và chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tăng cường tập huấn chuyên môn cho giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các đoàn học sinh giỏi; tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo...
Ngoài ra, các trường tích cực chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 12, tổ chức thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định; rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên cấp THPT theo chuẩn đào tạo; cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng theo yêu cầu của Chương trình mới.../.