Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy được xây dựng kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, các yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố . Qua đó thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đã đạt được kết quả khá toàn diện.
Thành ủy đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và công tác kiểm tra giám sát giữa Thành ủy - HĐND - UBND ngày càng phát huy hiệu quả; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Thành phố đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của Thành phố đã được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu đạt kết quả, tạo chuyển biến tích cực. Tập trung đi sâu vào thực hiện những việc mới nhằm phát huy và khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố.
Công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng, là một trong các khâu đột phá, đúng với vị trí, vai trò là “then chốt của then chốt”. Thành ủy đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng đảng thông qua việc chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, ban hành nhiều Nghị quyết, Quy định, Đề án rất quan trọng với nhiều điểm mới.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, cụ thể hóa trách nhiệm trong phân công và thực thi nhiệm vụ
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ và yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tập trung thực hiện, cụ thể là:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị Thành phố.
Các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan, đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thật sự liêm chính, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nghiêm minh, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị, đảm bảo quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì. Đồng thời, phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của Thành phố.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác.
Phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị này thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Cần tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của Chỉ thị; nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn thành phố, xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Các cấp ủy và từng đồng chí đảng viên phải gương mẫu, đi đầu, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng.
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. /.