Khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế
Hải Dương nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, đây là một trong những vựa rau màu lớn của cả nước, trong đó có nhiều loại nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao. Trình độ thâm canh cùng với quy mô vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm năng suất và chất lượng.
Trong những năm gần đây, Hải Dương đã chủ động xây dựng thương hiệu, phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng được đặc biệt quan tâm.
Đến nay, Hải Dương có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 1 nhãn hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, 25 sản phẩm cấp mã QR Code, xây dựng được 8 nhóm nông sản chủ lực với 150 sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh đã xây dựng và cấp được hơn 260 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Trên 1.000ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR biến đổi gắn với tem truy xuất nguồn gốc QR Code. Một số mô hình sản xuất đã đạt giá trị khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 750 triệu đồng/ha/năm, tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt gần 1.000 tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, việc chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản, mở rộng thị trường bước đầu gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, bên cạnh thị trường trong nước, tỉnh đã khai thông các thị trường tiềm năng quốc tế có giá trị kinh tế cao.
Trong đó, nổi bật là trái vải thiều Thanh Hà đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại 17 quốc gia châu Âu và được ghi nhận trên bản đồ trái cây ngon nhất thế giới. Để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường vải xuất khẩu, trong năm 2022, Hải Dương đã tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110ha, thực hiện cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.
Vụ vải năm nay, Hải Dương đã xuất 18.000 tấn vải sớm sang các thị trường: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Trung Đông, Malaysia...; khoảng 3.000 tấn vải sớm được xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… Vải thiều chính vụ xuất khẩu đi các thị trường cao cấp trên khoảng 3.000 tấn và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, Trung Đông, Malaysia... khoảng 7.500 tấn.
Cùng với đó, Hải Dương cũng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để các vùng trồng rau đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Hiện nay, sản lượng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (cà rốt, bắp cải, su hào) xuất khẩu khoảng 75.000 tấn/năm. Trong đó, một số thị trường xuất khẩu tiêu biểu như: Hàn Quốc 20.000 tấn; Nhật Bản 15.000 tấn; Malaysia 15.000 tấn; Trung Đông (Dubai), Singapore, Thái Lan, Campuchia 5.000 tấn; một số thị trường mới cao cấp như: Mỹ, EU 1.000 tấn…
Ngoài ra, địa phương này còn phát triển những mô hình sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc như: Mô hình nuôi cá trắm giòn tại Nam Sách; trồng thanh long tại Hoàng Hoa Thám, Chí Linh; trồng ổi ở Thanh Hà; trồng tỏi ở Kinh Môn…
Đặc biệt, với điều kiện thuận lợi, các vùng sản xuất được quy hoạch tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế, có tem truy suất nguồn gốc và mã vùng xuất khẩu, nông sản Hải Dương có trên 300.000 sản phẩm đã lên 5 sàn giao dịch điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ tới các thị trường có tiềm năng, đem lại giá trị kinh tế cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN...
Tiếp đà cho nông sản vươn ra thế giới
Cuối năm cũng là thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào vụ. Với lợi thế là vựa rau màu vụ đông của miền Bắc nên hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh tương đối sôi động. Các công ty đang dồn lực để thu mua, sơ chế, xuất khẩu rau màu sang các thị trường lớn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, Hải Dương tiếp tục chú trọng huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Thực hiện cơ cấu lại theo định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu thị trường tiêu thụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ tiếp tục quan tâm công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế gắn với quy trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tạo nhiều giá trị khác biệt nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến người tiêu dùng cho các sản phẩm của địa phương, đưa các sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản…/.