Báo cáo do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam. Tham dự Hội thảo công bố Báo cáo có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo và đại diện của các cơ quan Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà tài trợ quốc tế, Hiệp hội DN...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Thoan
Năm 2018, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong 2 thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế. Vì thế, Báo cáo năm nay có chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”.
PGS.TS.Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết: Báo cáo gồm 7 Chương, trong đó có 4 Chương đề cập chuyên sâu đến vấn đề năng suất lao động của Việt Nam. Cụ thể gồm: Đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Mức độ tăng lương và năng suất lao động tại Việt Nam; Quyết định tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ; Thúc đẩy năng suất thông qua hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Điểm nhấn đặc biệt của Báo cáo là các chuyên gia nghiên cứu dành riêng 1 Chương để dự báo Viễn cảnh kinh tế Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách.
Trong đó, các chuyên gia khuyến nghị: “Xét về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của mọi chính sách cải cách. Xét riêng trên khía cạnh thị trường lao động, còn cần nhiều nỗ lực để thị trường trở nên hiệu quả hơn, góp phần giúp lao động được tái phân bổ nhanh hơn và giúp người lao động cải thiện năng suất nhanh hơn”.
PGS.TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: “Không riêng gì nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam mà với cả các nền kinh tế phát triển trên thế giới, năng suất là lõi của tất cả các yếu tố tạo nên GDP”. |
HỒNG THOAN