Hải quan ngăn chặn buôn lậu, gian lận qua luồng xanh

(BKTO) - Trung bình mỗi năm, có khoảng 7-8 triệu tờ khai được phân luồng xanh, chiếm 66% tổng số tờ khai của ngành hải quan. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách thuận lợi này để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại...

14.jpg
Hải quan tăng cường kiểm soát gian lận thương mại qua tờ khai luồng xanh. Ảnh minh họa

Hàng trăm lô hàng luồng xanh vi phạm

Theo Luật Hải quan, hàng được phân luồng xanh miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; hàng luồng vàng kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; luồng đỏ kiểm tra chi tiết hồ sơ và thực tế hàng hóa.

Trung bình mỗi năm, số lượng tờ khai luồng xanh đạt khoảng 7-8 triệu, chiếm khoảng 66% tổng số tờ khai. Riêng quý III/2023, ngành hải quan áp dụng khoảng 107.686 chỉ số tiêu chí đảm bảo phân luồng thông suốt 3.861.652 tờ khai. Trong đó có 2.548.901 tờ khai luồng xanh chiếm tỷ lệ 66,01%; 1.170.248 tờ khai luồng vàng chiếm tỷ lệ 30,3% và 142.503 tờ khai luồng đỏ chiếm tỷ lệ 3,69%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ luồng xanh tăng 0,78%, luồng vàng giảm 0,07% và luồng đỏ giảm 0,71%.

Theo ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), thời gian thông quan cho tờ khai luồng xanh chỉ khoảng 1-3 giây/tờ khai, doanh nghiệp không phải đến cơ quan hải quan và có thể trực tiếp lấy hàng tại cảng. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thời gian gần đây “nhắm” vào luồng xanh để thực hiện các hành vi vi phạm. Các phương thức, thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng hệ thống phân luồng tự động, khi biết trước kết quả phân luồng xanh, doanh nghiệp có thể xếp thêm hoặc dỡ bớt hàng nhằm gian lận, hợp thức hóa gian lận hoặc trà trộn hàng lậu vào.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lợi dụng việc được miễn kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế để làm giả hồ sơ, chứng từ; khai báo sai về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, loại hình; không khai hoặc khai thiếu mã văn bản pháp quy đối với hàng hóa phải quản lý chuyên ngành; khai báo vào nhóm mặt hàng đơn giản, nằm ngoài danh mục quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành…

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, qua hoạt động xác định trọng điểm, áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các lô hàng được vận chuyển qua các cảng biển thuộc TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng đã phát hiện 295 lô hàng luồng xanh và luồng vàng vi phạm nhập hàng không khai báo, khai sai chủng loại, số lượng, nhập hàng không đủ điều kiện.

9 tháng năm 2023, lực lượng hải quan đã phát hiện 229 lô hàng luồng xanh và luồng vàng khai sai chủng loại, số lượng và nhập hàng không khai báo, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng vi phạm Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)… Tổng số tiền xử phạt khoảng 21,4 tỷ đồng, số tiền truy thu thuế 80,73 tỷ đồng.

Siết gian lận, buôn lậu qua luồng xanh

Hiện nay, số lượng tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn nhưng nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị để kiểm soát của cơ quan hải quan còn hạn chế; việc kiểm soát hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh gặp nhiều khó khăn do các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Nhằm kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong việc lợi dụng tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ có tính phân lớp quản lý để kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các gian lận của doanh nghiệp trong việc phân luồng nhưng vẫn đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Theo đó, ngành hải quan tăng cường thu thập thông tin nghiệp vụ, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ tuyến trọng điểm về hàng hóa nhập khẩu trước khi hàng đến cảng và các dấu hiệu, tiêu chí đánh giá lô hàng rủi ro, tập trung phân tích thông tin E-manifest, lựa chọn soi chiếu trước thông quan để kịp thời, chủ động phát hiện các lô hàng vi phạm ngay khi cập cảng.

Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra không xâm nhập bằng soi chiếu trước khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhập; soi chiếu đối với hàng hóa xuất khẩu sau khi đã thông quan tại cửa khẩu xuất; kiểm tra sau thông quan; thanh tra chuyên ngành và các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp xuất nhập khẩu để áp dụng các biện pháp quản lý hải quan phù hợp.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, phân tích thông tin dữ liệu về tờ khai luồng xanh; đối chiếu, đánh giá với thông tin doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (CRMS) và các hệ thống dữ liệu trong toàn ngành để sàng lọc, xác định trọng điểm các tờ khai rủi ro, doanh nghiệp trọng điểm theo các tiêu chí đánh giá.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) sẽ phối hợp với hải quan địa phương tăng cường xác lập, theo dõi, phân tích, đánh giá danh sách các lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm theo từng chỉ số tiêu chí, áp dụng biện pháp kiểm tra soi chiếu trước đối với các lô hàng nhập khẩu chưa mở tờ khai có dấu hiệu rủi ro theo tiêu chí. Đặc biệt, đơn vị tích cực phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát theo chuyên đề đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm theo tuyến đường, ngành hàng, lĩnh vực, loại hình.

Việc áp dụng các biện pháp trên được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và ngăn chăn được tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại./.

Cùng chuyên mục
  • Thay đổi tư duy khi thu hút đầu tư PPP hạ tầng giao thông
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước tình trạng thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) ngành giao thông chưa hiệu quả, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, giải pháp quan trọng là chủ động thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
  • Nợ công được kiểm soát nhưng cần bảo đảm an toàn
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, trong 3 năm 2021-2023, công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu. Tuy vậy, vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 đã tiệm cận mức trần. Vì vậy, Chính phủ cần phân tích kỹ và có giải pháp bảo đảm an toàn nợ công.
  • Cụ thể hóa trách nhiệm trong quản lý tài sản công
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hiện có gần 1.000 tài sản công cấp tỉnh, cấp huyện sau khi sắp xếp đơn vị hành chính chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan từ Trung ương, đến địa phương, trong đó, cần sửa đổi quy định, cũng như cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân với hiệu quả quản lý tài sản công.
  • Đề xuất bố trí hơn 63.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông và cấp điện ra Côn Đảo
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề xuất Quốc hội bố trí 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án dự án giao thông và hơn 2.526 tỷ đồng để thực hiện dự án cấp điện lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ giảm chi phí vật tư đầu vào, gia tăng giá trị chuỗi nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái chế, hướng tới xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững.
Hải quan ngăn chặn buôn lậu, gian lận qua luồng xanh