Hỗ trợ các nhà đầu tư lớn - Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi”

(BKTO) - Việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư là cần thiết nhằm tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cho môi trường đầu tư Việt Nam để thu hút các dự án đầu tư mới, cũng như giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng để đạt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD và giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD.

12.jpg
Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng sẽ tác động rõ rệt đến thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Thuế tối thiểu toàn cầu tác động mạnh đến thu hút đầu tư

Ngày 08/10/2021, OECD đã đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ năm 2024 là 15% đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) nhằm ngăn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp. Đến nay, 142 nước đã đồng thuận với quy định này, trong đó có Việt Nam.

Nhận định thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng sẽ tác động rõ rệt đến thu hút đầu tư, Quốc hội đã đồng ý chủ trương giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các DN trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Trên cơ sở đó, ngày 10/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định này.

Trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, do bối cảnh vừa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, các ưu đãi miễn, giảm thuế hiện tại của nhà đầu tư lớn sẽ không còn hiệu quả, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư “đại bàng” đang đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, mặc dù số lượng các DN này chưa nhiều nhưng có tác động lớn về kinh tế, xã hội, với mạng lưới phụ trợ đi kèm lên đến hàng trăm DN. Do đó, cần phải có chính sách giữ chân nhóm nhà đầu tư này.

Lý do đáng chú ý được Bộ KHĐT chỉ ra, mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023 có sự tăng trưởng, nhưng các dự án mới có quy mô đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi tại Việt Nam có xu hướng chững lại. Một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng không lựa chọn Việt Nam. Trong khi đó, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao, công nghệ lõi có quy mô lớn cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số DN đã thông báo tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam.

Vì vậy, việc ban hành chính sách là hết sức cấp bách để không gây xáo trộn quá lớn đối với môi trường đầu tư kinh doanh khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng và thu hút đầu tư mới tại Việt Nam. Hơn nữa, bên cạnh đó, các DN chiến lược trong nước hoạt động trong những lĩnh vực mũi nhọn cũng là nguồn lực lớn trong chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, đóng góp vào các chỉ số kinh tế quan trọng, góp phần củng cố vị thế kinh tế của Việt Nam trên thế giới cũng cần thiết được hỗ trợ, hưởng chính sách ưu đãi để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ổn định tâm lý, tăng thu hút nhà đầu tư lớn

“Chính sách cần ban hành và có hiệu lực áp dụng ngay trong năm tài chính 2024” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bởi hiện nay, nhiều quốc gia đang chạy đua quyết liệt và thiết kế chính sách riêng để bắt kịp xu thế toàn cầu. Với chính sách linh hoạt, kết hợp cả ưu đãi theo thu nhập và ưu đãi về chi phí, nhiều nước đã thu hút được các dự án có quy mô rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Điển hình trong khu vực, Thái Lan đã chấp thuận phân bổ 50-70% số tiền thu thuế bổ sung vào Quỹ nâng cao năng lực để hỗ trợ DN với các khoản hỗ trợ dự kiến bằng tiền hoặc tương đương tiền dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2024 và có hiệu lực vào năm 2025. Còn tại Singapore đã công bố ngân sách năm 2024, trong đó có đề cập đến các định hướng chính sách hỗ trợ đầu tư đối ứng với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, Singapore sẽ ban hành chính sách hỗ trợ 50% các chi phí đủ điều kiện trong các lĩnh vực kinh tế cốt lõi, các khoản đầu tư mới, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và duy trì nền kinh tế cạnh tranh…

Khẳng định Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi” này, các chuyên gia cho rằng, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư phải đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực; trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy phát triển một số DN lớn trong nước dẫn dắt các ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị công nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Tất nhiên, các quy định đưa ra phải phù hợp với các quy tắc của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu; không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Theo dự kiến, nguồn ngân sách cấp cho Quỹ được thực hiện vào tháng 01 hằng năm, từ nguồn thu thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn khác. Trường hợp dự toán thấp hơn số thu thuế thực tế và không đủ chi hỗ trợ Quỹ thì cần có một tỷ lệ dự phòng cần thiết hoặc đề xuất bổ sung ngân sách từ nguồn dự phòng.

Từ nghiên cứu, Bộ KHĐT đề xuất, các DN được hưởng hỗ trợ đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu. Cụ thể, DN có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, DN công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao với doanh thu của dự án từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc quy mô vốn đầu tư của dự án từ 12.000 tỷ đồng (điều kiện kèm theo là DN phải hoàn thành giải ngân 12.000 tỷ đồng trong 5 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong 3 năm); hoặc DN có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô đầu tư từ 3.000 tỷ đồng (DN phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm).

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ KHĐT sẽ tiếp thu ý kiến của các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Tư pháp đến ngày 15/4 tới và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định trong tháng 5/2024. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu các ý kiến đóng góp để Bộ KHĐT tiếp tục hoàn thiện Dự thảo và trình Chính phủ thông qua vào tháng 6/2024./.

Cùng chuyên mục
  • Thúc đẩy kiều hối vào thị trường bất động sản
    7 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến quyền sở hữu nhà ở, BĐS của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng kiều hối đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới.
  • Còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của cả nước trong 3 tháng đầu năm có tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động này.
  • Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Lào
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 thỏa thuận mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.689 MW, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết đến năm 2025 (3000 MW)…
  • Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 2 tỷ đồng
    7 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 2 tỷ đồng.
  • Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.
Hỗ trợ các nhà đầu tư lớn - Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi”