Lỏng lẻo trong quản lý ngân sách
Văn phòng Kiểm toán bang Washington cho biết, các quận của bang nằm trong danh sách những địa phương chi tiêu ngân sách liên bang hỗ trợ nạn nhân của đại dịch cao nhất. Tuy nhiên, nhiều chính quyền địa phương đã không lưu trữ và báo cáo về các khoản trợ cấp được trao, không tiến hành đánh giá rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, không kiểm tra hồ sơ lý lịch của các nhà thầu...
Mặc dù hàng tỷ USD ngân sách được chi để cứu trợ nạn nhân Covid-19 tại Washington, tuy nhiên, nhiều quan chức địa phương này lại khá lỏng lẻo trong quản lý tài chính; không sát sao hoạt động kế toán, nhiều khoản tiền lớn được chuyển cho các đối tác không được kê khai, báo cáo chi tiết; không kiểm tra hồ sơ năng lực của các nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ… Hầu hết các cuộc kiểm toán đều chỉ ra những sơ suất trong quá trình tuân thủ quy trình, thủ tục giải ngân tiền hỗ trợ.
Trong số 36 quận đã được công bố kết quả kiểm toán năm 2021, có đến 21 quận bị chỉ trích vì những thiếu sót trong công tác kế toán, quản lý, sử dụng trợ cấp của Chính phủ liên bang. Ba quận hiện vẫn chưa được công bố kiểm toán. Hàng chục thành phố và thị trấn cũng nhận được những cảnh báo về việc quản lý tài chính yếu kém cũng như tình trạng chi tiêu ngân sách cứu trợ đại dịch sai quy định.
Các kiểm toán viên cũng bày tỏ lo ngại khi chính quyền không thực hiện giám sát đầy đủ đối với các tổ chức, đối tác, các nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ; nhiều đối tượng được kê khai là “người nhận phụ”, “người nhận tiền gián tiếp”… cũng không được kiểm tra đầy đủ để đảm bảo các tổ chức, cá nhân đó được phân loại đúng và đủ điều kiện nhận trợ cấp của liên bang.
Theo Báo cáo kiểm toán, tại nhiều quận, chính quyền không có kinh nghiệm xử lý các khoản tiền trợ cấp khổng lồ từ Chính phủ liên bang trong thời gian khẩn cấp khiến việc cứu trợ không hiệu quả. Trong khi đó, một số địa phương lại phải vật lộn vì nguồn tài trợ không đủ để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong cộng đồng. Nhiều quận cũng bị chỉ trích vì ngoài những tồn đọng cũ từ cuộc kiểm toán trước còn phát sinh thêm các sai phạm mới, những thiếu sót trong quá trình kế toán.
Cần tăng cường giám sát các hoạt động tài chính
Văn phòng Kiểm toán bang Washington nhận định, các cơ quan địa phương đã phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc quản lý viện trợ liên bang trong bối cảnh chưa từng có. Những yếu kém trong quản lý, sử dụng ngân sách đã gây ra nhiều hành vi gian lận, lạm dụng tại đây. Văn phòng cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh này, việc thắt chặt công tác giám sát chi tiêu một cách chi tiết nhất là biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ ngân sách; phòng, chống các hành vi lạm dụng. Các chính quyền địa phương thừa nhận đã gặp phải nhiều khó khăn và còn lúng túng trong việc phân bổ, chi tiêu hàng tỷ USD cứu trợ khẩn cấp cho những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong một thời hạn ngắn.
Các cuộc kiểm toán xem xét tình hình chi tiêu ngân sách của liên bang chỉ ra, chính quyền các địa phương cần thắt chặt công tác giám sát các hoạt động tài chính. Trong một số trường hợp, nếu các vi phạm nghiêm trọng, Chính phủ liên bang có thể dựa vào các phát hiện và kiến nghị kiểm toán để yêu cầu chính quyền bang trả lại tiền tài trợ.
Khoảng một nửa số quận của bang Washington không thực hiện tốt công tác theo dõi và kiểm tra các khoản chi tiêu ngân sách dù Chính phủ liên bang đã ban hành các hướng dẫn về việc quản lý chương trình cứu trợ khẩn cấp.
Bà Sadie Armijo - Giám đốc Kiểm toán và Điều tra đặc biệt tại Văn phòng Kiểm toán bang Washington - cho biết, bảo mật và xác minh các giao dịch thanh toán điện tử sẽ tiếp tục là các vấn đề trọng tâm của cả kiểm toán viên và các chính quyền địa phương nhằm giám sát việc chi tiêu viện trợ của liên bang. “Cần tiến hành điều tra các nhà cung cấp dịch vụ và công khai thực hiện các cuộc đấu thầu để lựa chọn đối tác phù hợp nhất, tiết kiệm chi phí nhiều nhất” - bà Sadie Armijo lưu ý.
Đại diện Hiệp hội các quận của bang Washington và lãnh đạo các địa phương đánh giá cao những phát hiện kiểm toán mới nhất này, đồng thời hy vọng Văn phòng Kiểm toán bang Washington sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương để đảm bảo ngân sách được chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm. Lãnh đạo các địa phương cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các hướng dẫn để điều chỉnh, sử dụng ngân sách hỗ trợ nạn nhân Covid-19 phù hợp cho các giai đoạn đến năm 2024 và 2026./.