Hoạt động ngân hàng: Triển vọng kinh doanh tiếp đà khởi sắc

(BKTO) - Kết thúc quý I/2018, nhiều ngân hàng đã báo lãi nghìn tỷ đồng. Kết quả này cộng với các chỉ số tăng trưởng khác đã góp phần làm nên dấu ấn cho bức tranh hoạt động ngân hàng. Đây cũng là cơ sở giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) thêm lạc quan về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong quý II và cả năm 2018.



Lợi nhuận nghìn tỷ đến từ nhiều yếu tố

Sự cải thiện của hoạt động ngân hàng trong quý I/2018 đã phần nào được minh chứng qua số liệu mà Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSF) đưa ra mới đây. Cụ thể, quý I vừa qua, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm 2017; tín dụng ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017; tín dụng Việt Nam đồng ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng; tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại, với mức tăng 4,3%. Bên cạnh đó, lãi suất huy động và cho vay ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào. Đến cuối quý I, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động ở mức 88,2% (cuối năm 2017 là 87,8%).

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của từng nhà băng cũng cho thấy hoạt động ngân hàng có nhiều khởi sắc. Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, không ít ngân hàng đã báo lãi lớn trong quý I. Điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quân đội đạt doanh thu khoảng 3.500 - 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.600 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với cùng kỳ và thực hiện 23,5% kế hoạch năm.

Tiếp đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) ước tính lợi nhuận quý I đạt 1.050 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng tiết lộ, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 30% kế hoạch năm. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ước đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 28% kế hoạch cả năm và tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng vượt mức 500 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Tạo đà cho lợi nhuận của các ngân hàng tăng cao có cả các yếu tố chủ quan và khách quan. Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành vào tháng 3/2018, hầu hết các TCTD đánh giá, các nhân tố chủ quan và khách quan trong quý I đều cải thiện hơn quý IV/2017. Trong các nhân tố chủ quan, yếu tố cải thiện tích cực nhất là “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD” (với chỉ số cân bằng đạt 44%). Trong các nhân tố khách quan, “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD” tiếp tục được đánh giá là cải thiện mạnh nhất. Đặc biệt, các TCTD cũng đánh giá “cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước” được cải thiện mạnh mẽ hơn các nhân tố khách quan khác.

Đáng lưu ý, tăng trưởng tín dụng, triển vọng tích cực trong xử lý nợ xấu và áp lực dự phòng giảm cũng giúp cho lợi nhuận ngân hàng khởi sắc. Kể từ khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các TCTD, nhiều ngân hàng đã có điều kiện tốt hơn để xử lý nợ xấu. Đơn cử, tại OCB, ngân sách trích lập dự phòng rủi ro dự kiến năm 2018 là 500 tỷ đồng, nhưng nhiều khả năng, Ngân hàng này sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam và không phải trích lập dự phòng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của các ngân hàng còn đến từ việc thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ. Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường bảo hiểm tại Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao trong quý I/2018 với doanh thu phí bảo hiểm ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một trong những kênh mang lại nguồn thu lớn cho nhiều ngân hàng thương mại.

Triển vọng kinh doanh -lạc quan và kỳ vọng

Trên đà kinh doanh khởi sắc, các TCTD tiếp tục lạc quan về tình hình hoạt động ngân hàng trong quý II và cả năm 2018. Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, thống kê, các TCTD kỳ vọng, trong quý II/2018, huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,71%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 4,85%. Trong cả năm nay, các chỉ tiêu này sẽ lần lượt tăng trưởng 16,65% và 16,3%.

Kết quả điều tra còn cho thấy, 75% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý II và 84% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong cả năm 2018, trong đó, 22 - 28% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Dự báo, đến cuối năm 2018, khoảng 72,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017 với mức tăng trưởng kỳ vọng bình quân toàn hệ thống đạt 18,2%.

Cùng với niềm tin và sự lạc quan về triển vọng kinh doanh, các ngân hàng cũng đã tỏ rõ quyết tâm thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho cả năm, nhất là các quý cuối cùng của năm. Minh chứng là, nhiều nhà băng đã đưa kế hoạch lợi nhuận năm 2018 với mức tăng trưởng trên 30% như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, HDBank, VIB… Việc thực hiện các mục tiêu lợi nhuận này sẽ là động lực cho cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng và đẩy mạnh làn sóng lên sàn chứng khoán của các nhà băng trong năm nay.

THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018
Cùng chuyên mục
  • Công bố Dự thảo Luật Thuế tài sản
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 13/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Dự án Luật Thuế tài sản. Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chủ trì cuộc họp báo.
  • Tổng cục Hải quan:  Nghiêm túc, kịp thời xem xét xử lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 10/4, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về hướng xử lý đối với thông tin cán bộ hải quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật được Báo Lao động và một số cơ quan báo chí đăng tải ngày 09/4.
  • Tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập: Sẽ tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Gần đây, triển khai tinh thần của Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các nghị quyết, trong đó có những chỉ đạo cụ thể về việc sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Cùng với đó, không ít Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện chủ trương này và đạt được những kết quả nhất định.
  • Thúc đẩy giáo dục tài chính tại Việt Nam
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Việc phổ cập tài chính sẽ góp phần giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, mức độ phổ cập về tài chính tại Việt Nam rất thấp, nội dung giáo dục tài chính lại chưa được phổ biến ở các trường học… Đó là thông tin được các chuyên gia về tài chính và ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo quốc tế: “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam, Viện Kế toán Công chứng Anh quốc và xứ Wales (ICAEW) vừa tổ chức.
  • Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cần được siết chặt
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hiện nay, nước ta đang có khoảng hơn 100 văn bản pháp luật điều chỉnh các loại quỹ tài chính ngoài NSNN nhưng lại chưa có khung pháp lý thống nhất để quản lý các quỹ này. Chính vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, các cơ quan nhà nước cần rà soát, xây dựng và ban hành một khung pháp lý nhằm sớm khắc phục khoảng trống nói trên.
Hoạt động ngân hàng: Triển vọng kinh doanh tiếp đà khởi sắc