Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

(BKTO) - Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 598/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Đề án hướng đến mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số, các cơ sở dữ liệu của ngành... nhằm đổi mới công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của ngành; Nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3.4-hung-yen.jpg
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: ST

Đến năm 2025, về phát triển chính quyền số, Hưng Yên phấn đấu triển khai 100% thủ tục hành chính được cập nhật công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó, trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

100% hoạt động quản lý nhà nước của ngành sử dụng văn bản điện tử có ký số (trừ các văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

90% hồ sơ công việc của phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

100% chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo thông kê phục vụ chỉ đạo, điều hành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trang thông tin điện tử của ngành.

100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh và với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Về kinh tế số, tỉnh sẽ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, tài trợ, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ số, phát triển nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ nội dung số về nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Ứng dụng công nghệ viễn thám trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng phần mềm quản lý, điều tiết, thông tin nguồn nước và bàn đồ số về dự báo hạn hán trên địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng ứng dụng Chương trình OCOP trong đó bổ sung tính năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP; nâng cấp, mở rộng phần mềm quản lý, trình diễn Atlast điện tử.

Hỗ trợ một số mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Về nông dân số, nông thôn số, Đề án nêu rõ: các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hàng hóa được tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi só trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin. Tập huấn cho ít nhất 1.000 lượt hộ sản xuất nông nghiệp quy mô sản xuất nông sản hàng hóa về kỹ năng số…

Mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên phấn đấu thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

100% hồ sơ công việc của phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan nhà nước…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7,5%.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ số, chuyển đổi số phù hợp cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các đối tượng khác nhau.

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng được một số mô hình nông thôn, nông dân số kiểu mẫu.

Theo Đề án, giai đoạn 2023-2025, tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó, năm 2024 bố trí 3,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ.

Từ năm 2026, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bố trí kinh phí thực hiện./.

Cùng chuyên mục
Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn