Hướng dẫn kiểm toán phối hợp đa quốc gia theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế

(BKTO) - Các cơ quan kiểm toán tối cao đã và đang mở rộng cơ chế hợp tác nhằm đánh giá thách thức và chia sẻ lợi ích chung. Điều này đòi hỏi mỗi cơ quan kiểm toán tối cao, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam phải có nhận thức và hành động tương xứng.

pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-ha-thi-my-dung-phat-bieu-ket-luan-cuoc-hop.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị Ban Đề tài làm rõ khung lý thuyết về kiểm toán phối hợp. Ảnh: Nguyễn Ly

Sáng 26/12, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cức khoa học cấp bộ “Xây dựng hướng dẫn thực hiện kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế” do ThS. Cao Tấn Dương (Vụ Hợp tác quốc tế) và ThS. Nguyễn Việt Anh (KTNN chuyên ngành Ia) đồng chủ nhiệm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.

quang-canh-cuoc-hop.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo nghiên cứu của Ban Đề tài, xu thế phát triển của các định chế kiểm toán tối cao đang chịu tác động của 3 vấn đề lớn: hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề mới nổi như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống...

Theo đó, hội nhập quốc tế đòi hỏi các cơ quan kiểm toán tối cao phải tham gia vào các tương tác đa dạng, đa chiều mà trụ cột là hoạt động chuyên môn. Các khuôn khổ và cơ chế mới đòi hỏi hoạt động kiểm toán được mở rộng, vượt qua ranh giới quốc gia, khu vực để đưa ra lời giải cho những bài toán chung của cả cộng đồng.

ths.-cao-tan-duong-thay-mat-ban-de-tai-trinh-bay-ket-qua-nghien-cuu.jpg
ThS. Cao Tấn Dương thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Tốc độ phát triển như "vũ bão" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những nền tảng hợp tác chưa có tiền lệ, đồng thời cũng đẩy các cơ quan kiểm toán tối cao vào tình thế buộc phải "bắt tay" để tiến bộ. Hơn nữa, những vấn đề mới nổi, khẩn cấp như dịch bệnh, thảm hoạ môi trường đe doạ sự tồn tại và phát triển của cả thế giới đã buộc các quốc gia phải cùng chung tay kiến tạo cơ chế, khuôn khổ hoạt động hiệu quả.

Cộng đồng Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) đều xác định vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc thực hiện kiểm toán phối hợp nhằm giải quyết các nguy cơ chung được cam kết mạnh mẽ tại các Tuyên bố A-bu Da-bi 2017 và Tuyên bố Hà Nội 2018. Trong bối cảnh đó, nhận thức và phương thức ứng phó sẽ quyết định mức độ và tốc độ phát triển của mỗi cơ quan kiểm toán tối cao.

Thực tế cho thấy, tác động và hệ quả của nhiều vấn đề liên quốc gia đòi hỏi có sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm toán tối cao để ứng phó và giải quyết một cách triệt để, toàn diện. Các chủ đề kiểm toán và hoạt động kiểm toán không còn là vấn đề của từng quốc gia đơn lẻ mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ.

ts.-vu-thanh-hai-kiem-toan-truong-ktnn-chuyen-nganh-iv-goi-mo-mot-so-noi-dung-de-ban-de-tai-nghien-cuu-bo-sung-.jpg
TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV gợi mở một số nội dung để Ban Đề tài nghiên cứu, bổ sung. Ảnh: Nguyễn Ly

Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao; Chương 2 - Thực trạng kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao; Chương 3 - Hướng dẫn thực hiện kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là nội dung mới, có tính cấp thiết và ý nghĩa thiết thực cao, góp phần nâng cao năng lực của KTNN Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của KTNN trong cộng đồng kiểm toán khu vực và thế giới.

Đề tài đã được thực hiện một cách có hệ thống từ bối cảnh quốc tế đến đánh giá thực trạng áp dụng tại Việt Nam; định hướng ứng dụng, giải pháp thực hiện, cũng như hướng dẫn kiểm toán phối hợp giữa KTNN với các cơ quan kiểm toán tối cao. Ban Đề tài đã nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu quốc tế cũng như quy định của nhà nước, các tài liệu trích dẫn được sử dụng hợp lý, dẫn chứng đầy đủ, rõ ràng.

ts.-nguyen-luong-thuyet-vu-truong-vu-che-do-va-kiem-soat-chat-luong-kiem-toan-nhan-manh-muc-tieu-xay-dung-huong-dan-kiem-toan-phoi-hop..jpg
TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán nhấn mạnh mục tiêu xây dựng hướng dẫn kiểm toán phối hợp. Ảnh: Nguyễn Ly

Để đề tài được hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban Đề tài tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu thực trạng các cuộc kiểm toán phối hợp mà KTNN Việt Nam đã thực hiện (loại hình phối hợp, lựa chọn chủ đề, khung thỏa thuận, điều phối, lập và phát hành báo cáo kiểm toán…); bổ sung phương thức tổ chức cuộc kiểm toán phối hợp; giải pháp, kiến nghị cho vấn đề pháp lý của việc tổ chức cuộc kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao khác trên thế giới…

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó cần làm rõ khung lý thuyết về kiểm toán phối hợp; đánh giá thực trạng việc xây dựng hướng dẫn kiểm toán phối hợp của KTNN Việt Nam và các cơ quan kiểm toán tối cao khác; phân tích, chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán phối hợp của KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao; kinh nghiệm thực hiện kiểm toán phối hợp của các cơ quan kiểm toán thời gian qua. Từ đó, Ban Đề tài tập trung đưa ra định hướng xây dựng hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm toán phối hợp theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá.

Cùng chuyên mục
Hướng dẫn kiểm toán phối hợp đa quốc gia theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế