Khơi thông dòng chảy tín dụng

(BKTO) - Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 thấp nhất trong vòng 12 năm qua cùng nhiều nguyên nhân khác khiến tín dụng 3 tháng đầu năm tăng chậm. Để khơi thông dòng chảy tín dụng, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp. Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng đã công bố các gói vay ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng.

abbank.jpg
NHNN vẫn giữ vững mục tiêu tín dụng tăng 14-15% năm 2023. Ảnh minh họa

Tín dụng tăng chậm do nhu cầu vốn thấp

Nhìn lại quý I/2023, có thể thấy, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Minh chứng là, tháng 02/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời tiếp tục chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - DN tại các địa phương. Cùng với đó, NHNN đã tổ chức chuỗi Hội nghị về tín dụng cho các ngành, lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho DN, người dân như: Hội nghị Tín dụng bất động sản, Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022-2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Hội nghị Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, đáng lưu ý, tại Hội nghị Tín dụng bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Mặc dù NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm 2023 không hề dễ.

Từ góc độ ngân hàng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông Nguyễn Đình Tùng nhận định, trong mấy tháng qua, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn dưới 50%, điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Do đó, các DN sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh nên nhu cầu vay vốn thấp. Với khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất đang ở mức cao nên thời điểm này, ít người đi vay mua nhà. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Đại diện cho cơ quan quản lý, điều hành, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, thời gian qua, biến động của thị trường thế giới và trong nước khiến nhiều DN gặp khó khăn, không có đơn hàng, tình trạng sản xuất bị đình trệ. Hơn nữa, giai đoạn đầu năm, việc triển khai cũng như giải ngân một số dự án đầu tư công bị chậm do ảnh hưởng bởi Tết Nguyên đán. Cầu tín dụng vì thế mà cũng chững lại.

Nhiều biện pháp kích cầu tín dụng

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN vẫn giữ vững mục tiêu tín dụng tăng 14-15% năm 2023. Để thực hiện được mục tiêu này, góp phần khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, NHNN sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận tín dụng. NHNN cũng sẽ hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; nỗ lực triển khai nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

 Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương ngày 03/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cuối tháng 3 vừa qua, NHNN đã có Văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp đó, ngày 01/4, NHNN đã có Công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Chương trình cho vay này có quy mô 120.000 tỷ đồng. Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành là quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp và sẽ là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Không chỉ từ phía cơ quan điều hành, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã công bố các chương trình cho vay ưu đãi để kích cầu tín dụng. Điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định dành hơn 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD để hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các DN với mức lãi suất thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với mức lãi suất hiện hành. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng dành 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 7%/năm. Hay tại TP. Hồ Chí Minh, đã có hơn 20 ngân hàng đăng ký gói tín dụng trị giá 453.070 tỷ đồng cho vay trong năm 2023, tăng 4% so với gói tín dụng các ngân hàng đăng ký năm 2022. Gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng triển khai theo Chương trình kết nối ngân hàng - DN trong năm 2023 do NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo thuận lợi cho DN, hộ kinh doanh và hợp tác xã vay vốn.

Cùng với việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi, ngay trong đầu tháng 4, sau động thái hạ lãi suất điều hành lần thứ hai của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động với mức giảm phổ biến từ 0,3 đến 0,8 điểm phần trăm. Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ giúp các nhà băng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng./.

Cùng chuyên mục
Khơi thông dòng chảy tín dụng