Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định nhưng tín dụng tăng chậm

(BKTO) - Quý I/2022, hoạt động ngân hàng diễn ra thông suốt, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng của tín dụng không cao so với cuối năm 2022.

hop-bao-ngan-hang.jpg
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì Họp báo. Ảnh: Thành Đức

Tín dụng tăng 2,06%, lãi suất tiết kiệm giảm từ 0,2-0,5%/năm

Chiều 31/3, tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: 3 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Chính sách lãi suất là một trong những giải pháp quan trọng ngay từ đầu năm để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.

Trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế và tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với DN và người dân, ngày 15/3, NHNN quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay.

NHNN đã khuyến khích các NHTM tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 06/3. Trên cơ sở đó, NHTM có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Tỷ giá điều hành linh hoạt, phù hợp với trạng thái cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Sự ổn định và giảm dần của tỷ giá là chiều hướng tích cực, phù hợp với tình hình thị trường và diễn biến lãi suất. 

Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao so với cuối năm 2022 do nhiều nguyên nhân. “Thời gian qua, nhiều DN gặp khó khăn, không có đơn hàng, tình trạng sản xuất bị đình trệ. Mặt khác, giai đoạn đầu năm, việc triển khai cũng như giải ngân một số dự án cũng bị ảnh hưởng bởi Tết Nguyên đán. Do vậy, nhu cầu tín dụng của một số DN bị chững lại” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quý I/2023, ngành ngân hàng đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cùng nhiều hội nghị khác để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam năm 2022, NHNN tiếp tục chú trọng đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động của toàn hệ thống. NHNN đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáng lưu ý là việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN.

Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, xây dựng chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, giữ vững ổn định giá trị đồng tiền. Việc điều hành lãi suất và tỷ giá sẽ đảm bảo linh hoạt, hài hòa các mục tiêu.

NHNN sẽ tích cực chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, trong đó tiếp tục chú trọng hỗ trợ vốn cho DN, người dân. Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước cùng nhiều chính sách khác trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2023 sẽ vẫn được giữ vững và NHNN sẽ có nhiều biện pháp đôn đốc, khuyến khích các NHTM cho vay, tạo điều kiện cho một số DN, lĩnh vực, ngành nghề được vay vốn.

Liên quan đến vấn đề hoãn, giãn nợ cho DN gặp khó khăn, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đang nghiên cứu đề xuất chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai. Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ được xác định rõ để giúp DN vượt khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và bản chất nợ của nền kinh tế, tránh để nợ xấu được che giấu thông qua biện pháp này./.

Cùng chuyên mục
Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định nhưng tín dụng tăng chậm