Kiểm soát nội bộ - bước tiến trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

(BKTO) - Trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung thêm các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của DN bảo hiểm. Nếu được chính thức thông qua, quy định này dự kiến sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng khác nhau.



                
   

Ông Phạm Tuấn Linh - Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo
   Deloitte Việt Nam. Ảnh: Deloitte

   

Một trong những nội dung nổi bật tại Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm là quy định hằng năm bộ phận kiểm toán nội bộ của DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm phải rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hệ thống kiểm soát nội bộ. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro của DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm phải có ý kiến xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập.

Đây có thể xem là một bước tiến trong hệ thống hành lang pháp lý cho ngành bảo hiểm, tái bảo hiểm khi quy định này được xây dựng theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù tiềm ẩn nhiều rủi ro của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời đáp ứng yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước. Nếu chính thức được thông qua, quy định này dự kiến sẽ có nhiều ảnh hưởng đến ba nhóm đối tượng chính.

Đầu tiên là các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm

Các DN cần thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm thiết lập các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục kiểm soát…

Việc duy trì các hoạt động đánh giá thường xuyên là một công cụ tốt để DN có thể tự nhận diện và khắc phục các thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được dựa trên một nền tảng văn hóa quản trị DN tốt, đảm bảo tính độc lập và giám sát của các bộ phận thuộc các tầng khác nhau trong hệ thống kiểm soát nội bộ.

Ngoài ra, DN phải xây dựng quy trình, quy chế phối hợp giữa kiểm toán nội bộ với các bộ phận khác trong DN khi thực hiện chức năng đánh giá thường xuyên hệ thống kiểm soát nội bộ. DN cần xây dựng các bước đi cụ thể và cần thiết, bao gồm việc triển khai các dự án về rà soát và chuẩn hóa các quy trình nội bộ, hệ thống thông tin, tăng cường năng lực của đội ngũ kiểm toán nội bộ.

Để triển khai được quy định về kiểm soát nội bộ, các DN bảo hiểm và tái bảo hiểm còn cần làm tốt công tác truyền thông nhằm đảm bảo ban quản trị, điều hành và người lao động hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện.

Thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước

Yêu cầu đặt ra là cần hoàn thiện khung pháp lý và các hướng dẫn về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ tại DN bảo hiểm và tái bảo hiểm; cũng như chuẩn mực hướng dẫn cho kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm toán và đưa ra ý kiến. Các hướng dẫn và chuẩn mực này cần dựa trên các thông lệ thế giới, đồng thời phù hợp tình hình thực tế của các DN tại Việt Nam.

Theo COSO 2013, hệ thống kiểm soát nội bộ là một quy trình được thiết lập bởi Ban Quản trị, Ban Điều hành và các nhân sự khác để đạt được mức độ đảm bảo cần thiết trong việc đạt được các mục tiêu về hoạt động, báo cáo và tuân thủ. Từ góc độ này, hệ thống kiểm soát nội bộ có thể hiểu là một phạm trù bao trùm mọi hoạt động của DN. Theo đó, các hướng dẫn cho việc triển khai đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ cần được xác lập một phạm vi cụ thể dựa trên cơ sở các tiêu thức thống nhất.

Cuối cùng là phía kiểm toán độc lập

Việc xây dựng một phương pháp luận phù hợp trên cơ sở các hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về khuôn khổ áp dụng (integrated approach) là vấn đề trọng tâm của các đơn vị kiểm toán độc lập. Theo đó, phương pháp luận kiểm toán cần thay đổi theo hướng tập trung chuyên sâu vào các vấn đề mang tính hệ thống trong DN bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, các DN kiểm toán cũng có thể tham gia với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề kỹ thuật trong việc xây dựng khung quản trị chung, khung quản trị rủi ro mà các DN bảo hiểm và tái bảo hiểm cần hướng tới.

Ngoài ra, DN kiểm toán độc lập cũng là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Dự thảo Luật khi thực hiện kiểm toán và đưa ra ý kiến về hệ thống kiểm soát nội bộ của DN. Với hiểu biết của mình, các DN kiểm toán cũng cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong việc xác định phạm vi và xây dựng khuôn khổ chuẩn mực áp dụng đối với hoạt động này./.
PHẠM TUẤN LINH -Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo Deloitte Việt Nam
Cùng chuyên mục
Kiểm soát nội bộ - bước tiến trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm