Kiểm soát từ sớm - “bí quyết” góp phần làm nên cuộc kiểm toán “chất lượng vàng”

Làm tốt công tác kiểm toán, gắn với đổi mới công tác kiểm soát, tăng cường kiểm soát từ sớm là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, năm 2022 KTNN khu vực VII đã quán triệt thực hiện ngay từ đầu năm và kết quả cuộc “kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021 tỉnh Phú Thọ” được Tổng Kiểm toán nhà nước ghi nhận đạt “chất lượng vàng”.

2f699fe297304e6e1721.jpg
Việc chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán là một trong những giải pháp quan trọng các đơn vị kiểm toán cần quan tâm thực hiện để nâng cao chất lượng kiểm toán. Ảnh tư liệu

Kiến nghị góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước tại địa phương

Báo cáo kiểm toán của KTNN nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Trong đó, có một số kiến nghị nổi bật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước như: Địa phương chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc lập dự toán dự phòng ngân sách chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định khoản 1 Điều 10 của Luật NSNN; thực hiện trích số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm thực hiện nhiệm vụ đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định; UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp xác định số nợ xây dựng cơ bản, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bố trí vốn để thanh toán dứt điểm theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí vốn đầu tư thu hồi vốn ứng trước nguồn NSĐP từ năm 2020 trở về trước, số tiền 212.974 triệu đồng; UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra, rà soát nội dung, thời gian thu vào tài khoản tạm giữ trên 39.596,7 triệu đồng để xử lý theo quy định; tiếp tục thực hiện kiến nghị của KTNN đã kiến nghị tại báo cáo kiểm toán năm 2020 nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa thực hiện đối với khoản thu tiền sử dụng đối với các quỹ đất dôi dư cũa Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đất ven đường dẫn lên các nút giao là 34.816 triệu đồng.

Qua quá trình kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 269.408,3 triệu đồng, bao gồm: Tăng thu NSNN 2.261,1 triệu đồng; thu hồi, giảm chi NSNN 262.372,4 triệu đồng; giảm lỗ phát sinh 4.072,6 triệu đồng; giảm lỗ chuyến kỳ sau 702,2 triệu đồng; kiến nghị khác 3.965,5 triệu đồng.

Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Phú Thọ phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư để thu hồi 17.558,3 triệu đồng của 48 dự án vốn thanh toán vượt so với giá trị quyết toán được duyệt của 44 dự án cấp tỉnh là 17.385,9 triệu đồng; thành phố Việt Trì, 04 dự án là 172,4 triệu đồng. Có văn bản gửi Kho bạc nhà nước Trung ương hướng dẫn hạch toán ngân sách đối với vốn của Dự án thành phần sửa chữa, nâng cao an toàn đập tỉnh Phú Thọ, thuộc Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập 17.944,5 triệu đồng đã nộp trả ngân sách Trung ương theo kiến nghị của KTNN.

Chỉ đạo các huyện thực hiện nộp trả ngân sách cấp trên đối với kế hoạch vốn được ngân sách tỉnh, huyện bổ sung có mục tiêu hoặc hủy kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nếu không được HĐND tỉnh cho phép chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục thực hiện.

Qua kiểm toán, KTNN cũng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ sửa đổi một số văn bản pháp luật: Văn bản số 113/2015/UBND-TH2 “về việc khấu trừ và nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 2% trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn NSNN trên địa bàn tỉnh” để phù họp với điểm a khoản 5 Điều 13 của Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ; Sửa đổi, điều chỉnh Điều 15 của Quyết định số 57/2010/QĐ-UBND cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành...

Làm tốt công tác kiểm soát, giám sát hoạt động kiểm toán

Theo lãnh đạo KTNN khu vực VII, đây là một trong những cuộc kiểm toán được đơn vị đăng ký chất lượng vàng của Ngành. Do đó, bên cạnh việc đôn đốc Đoàn kiểm toán bám sát kế hoạch, phương án kiểm toán và nội dung trọng tâm kiểm toán đã xác định, tập trung cao độ trong quá trình kiểm toán, đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán để từ đó ngăn ngừa, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm.

“Có thể nói, những kết quả đạt được của cuộc kiểm toán là nhờ tổng hợp từ nhiều yếu tố, song công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của kiểm toán viên, tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán cũng như của KTNN khu vực VII đóng vai trò rất quan trọng” – lãnh đạo đơn vị nhấn mạnh.

Thông tin thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Tổng hợp Nguyễn Quang Hợp cho biết, trên tinh thần tập trung cao độ vào cuộc kiểm toán trọng điểm nên ngay từ đầu năm, đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc kiểm toán như nhân sự tham gia kiểm toán, công tác khảo sát thu thập thông tin xây dựng kế hoạch kiểm toán,… Mọi hoạt động liên quan đến cuộc kiểm toán, từ khâu chuẩn bị đến triển khai thực hiện đều được kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế cũng như chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo đó kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán đã được xây dựng cho cả năm, đồng thời lựa chọn các kiểm toán viên có kinh nghiệm, trình độ phù hợp để thực hiện kiểm soát, đồng thời nội dung, kế hoạch kiểm soát cũng được quán triệt đến các Đoàn kiểm toán, nhằm đảm bảo sự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Trong quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán luôn tập trung vào kiểm soát việc tuân thủ quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu, việc thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp tương ứng với các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Còn theo lãnh đạo Đoàn kiểm toán, bên cạnh nội dung kiểm soát của Khu vực, Đoàn kiểm toán cũng đã quán triệt, nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán đến từng kiểm toán viên đảm bảo theo đúng quy định của KTNN. Đồng thời, ngay sau khi kết thúc thời gian kiểm toán, các tổ kiểm toán gửi hồ sơ kiểm toán về cho Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán để thực hiện kiểm soát theo quy định, việc tăng cường kiểm tra hồ sơ kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán sau khi phát hành báo cáo kiểm toán cũng có ý nghĩa lớn, giúp Đoàn kiểm toán rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy định, thu thập bằng chứng kiểm toán… và đặc biệt là những thay đổi kết quả kiểm toán trong quá trình lập, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán để đưa hồ sơ vào lưu trữ theo quy định.

dsc_2198.jpg
Kiểm toán viên KTNN khu vực VII chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán trong một tọa đàm chuyên môn của KTNN. Ảnh: N.LỘC

Ngoài công tác kiểm soát từ bên trong, KTNN Khu vực VII cũng phối hợp chặt chẽ với tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đơn vị được kiểm toán để giám sát, quản lý hoạt động kiểm toán, từ đó có thông tin phản ánh kịp thời các hành vi nhũng nhiều, vi phạm quy chế kiểm toán của các kiểm toán viên để xử lý kịp thời theo quy định.

“Việc chủ động phối hợp giám sát từ sớm, cùng với phía địa phương, đơn vị được kiểm toán còn tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán sau này, khi bản thân địa phương, đơn vị cùng tham gia giám sát và kịp thời làm sáng tỏ các thông tin có liên quan trước khi báo cáo kiểm toán được phát hành” - lãnh đạo Đoàn kiểm toán cho biết.

Có thể thấy, từ kinh nghiệm qua thực tiễn kiểm toán, việc chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán là một trong những giải pháp quan trọng các đơn vị kiểm toán cần quan tâm thực hiện, từ đó đáp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, đặc biệt là tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong hoạt động kiểm toán, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra cho hoạt động kiểm toán ngày càng cao.

Cùng chuyên mục
Kiểm soát từ sớm - “bí quyết” góp phần làm nên cuộc kiểm toán “chất lượng vàng”