Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương đáp ứng yêu cầu Chiến lược

(BKTO) - Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) Bộ, cơ quan trung ương (CQTƯ), trong đó, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80% và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán NSNN các Bộ, CQTƯ.

7.jpg

Nỗ lực kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương

Năm 2022 là năm bản lề của hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách (BCQTNS) Bộ, CQTƯ. Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-KTNN ngày 21/11/2022 về Hướng dẫn kiểm toán BCQTNS Bộ, CQTƯ - tiếp cận chuyên sâu theo hướng kiểm toán xác nhận theo khuôn khổ lập và trình bày báo cáo quyết toán trên cơ sở Chuẩn mực KTNN số 200 (các nguyên tắc kiểm toán tài chính).

Đại diện KTNN chuyên ngành II cho biết, trên cơ sở Hướng dẫn này, năm 2022 là năm đầu tiên KTNN tổ chức thực hiện kiểm toán BCQTNS Bộ, CQTƯ thành 1 cuộc kiểm toán độc lập hoặc thực hiện cùng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Công tác kiểm toán báo cáo quyết toán đã được thực hiện đồng bộ hơn, tiếp cận đúng hướng và đảm bảo mục tiêu đề ra.

Muốn nâng tầm giá trị của báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, CQTƯ, KTNN cần bổ sung hướng dẫn, quy định về mục tiêu kiểm toán, không chỉ xác nhận số liệu và tính tuân thủ, mà cần đánh giá hiệu quả của dự toán, đặc biệt đánh giá hiệu quả cân đối thu - chi ngân sách... Bởi gốc của quyết toán là dự toán - khi dự toán chưa hợp lý, chưa hiệu quả thì KTNN phải đánh giá để Quốc hội thấy dự toán chưa sát thực tiễn, chưa hiệu quả.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

Là đầu mối tổng hợp kết quả kiểm toán, ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - cho biết, năm 2022, KTNN đã kiểm toán BCQTNS năm 2021 của 25 Bộ, CQTƯ và năm 2023 là 27 Bộ, CQTƯ. Qua kiểm toán năm 2022, KTNN đã chỉ ra sự chênh lệch và kiến nghị điều chỉnh, đảm bảo số liệu báo cáo trung thực, hợp lý; kiến nghị hủy số dư kinh phí hết nhiệm vụ chi, phản ánh đúng số liệu chuyển nguồn… Bởi một số Bộ, CQTƯ đã tổng hợp một số chỉ tiêu chưa chính xác, có cơ quan tổng hợp nguồn viện trợ chênh lệch 2,49 tỷ đồng; một cơ quan khác chưa tổng hợp đầy đủ dự toán nguồn ngân sách được giao 59,5 tỷ đồng và dự toán nguồn vốn viện trợ 7,4 tỷ đồng, kinh phí hủy 1,3 tỷ đồng. Một số Bộ, CQTƯ chưa lập thuyết minh báo cáo quyết toán hoặc lập nhưng chưa đánh giá đầy đủ nội dung; xét duyệt một số khoản kinh phí được phép chuyển nguồn chưa phù hợp, như: Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số đơn vị thực hiện chuyển số dư đã hết nhiệm vụ chi 9,7 tỷ đồng, hay tại Bộ Khoa học và Công nghệ có 156 đề tài đã kết thúc nghiên cứu và nghiệm thu năm 2021, tuy nhiên vẫn có quyết định gia hạn để chuyển nguồn và giao kinh phí năm 2022…

Lộ diện những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù hoạt động kiểm toán BCQTNS Bộ, CQTƯ mang lại những giá trị tích cực, tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ này đang lộ diện không ít những khó khăn, vướng mắc. Đại diện KTNN chuyên ngành III chỉ rõ, việc xác nhận tính đúng đắn, trung thực của BCQTNS Bộ, CQTƯ chứa đựng nhiều rủi ro bởi thủ tục kiểm toán chủ yếu là kiểm toán tổng hợp trên BCQTNS, đối chiếu chọn mẫu một số báo cáo quyết toán của đơn vị dự toán, biên bản và thông báo thẩm định/xét duyệt và quy định chứ không thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Bộ, CQTƯ.

Đồng quan điểm, đại diện KTNN chuyên ngành II cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là những rủi ro tiềm tàng trong bản chất của BCQTNS Bộ, CQTƯ. Bởi quy mô báo cáo rất lớn, có trường hợp báo cáo của 1 Bộ được tổng hợp từ hàng trăm báo cáo của các đơn vị cấp dưới, trong khi các đơn vị cấp dưới thuộc nhiều loại hình tổ chức khác nhau... Thêm nữa, BCQTNS của Bộ, CQTƯ được kiểm tra, thẩm định bởi nhiều cơ quan, do đó tiềm ẩn rủi ro về chênh lệch số liệu quyết toán giữa các cơ quan thực hiện kiểm tra, trong đó có KTNN, là rất lớn...

Thông qua kiểm toán BCQTNS, KTNN sẽ đánh giá được công tác quản lý của cơ quan tài chính. Chẳng hạn, từ số liệu quyết toán chi chuyển nguồn số chi sự nghiệp khoa học công nghệ có thể đánh giá được chất lượng lập dự toán của đơn vị. Bộ A lập dự toán 500 tỷ đồng chi sự nghiệp khoa học công nghệ/năm nhưng không sử dụng hết, chỉ quyết toán được 100-200 tỷ đồng và phải chuyển nguồn. Thế nhưng, năm sau, Bộ này vẫn lập dự toán 500 tỷ đồng và vẫn tiếp tục chuyển nguồn. Điều đó thể hiện chất lượng lập dự toán thấp và Bộ đó phải giải trình điều này với KTNN.

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II

Vướng mắc nữa được các đơn vị kiểm toán chỉ ra là các thông tin quan trọng trong BCQTNS Bộ, CQTƯ có thể đối chiếu với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thanh tra... nhưng việc tiếp cận thông tin đối chiếu này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, dẫn đến khó khăn trong kiểm toán và xác nhận số liệu.

Trong khi đó, thời gian kiểm toán BCQTNS Bộ, CQTƯ rất ngắn, kể từ khi có báo cáo quyết toán chính thức để thực hiện kiểm toán rất gấp, chưa kể các Bộ, CQTƯ thường xuyên hoàn thành báo cáo chậm hơn so với yêu cầu.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán BCQTNS Bộ, CQTƯ, theo KTNN chuyên ngành III, trước hết, cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán nhằm đôn đốc các đơn vị sớm tổng hợp BCQTNS; kết hợp kiểm toán tài chính công, tài sản công và kiểm toán BCQTNS cùng thời điểm.

Về phía KTNN, cần sớm nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hướng dẫn kiểm toán tại Quyết định số 1450/QĐ-KTNN cụ thể hơn về phạm vi, nội dung kiểm tra đối chiếu đối với việc chọn mẫu một số báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động của đơn vị sử dụng ngân sách, một số báo cáo quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN theo năm ngân sách của chủ đầu tư để so sánh, đối chiếu, đánh giá công tác quyết toán, thẩm định, xét duyệt.

Bên cạnh đó, Vụ Tổng hợp cho rằng, cần nâng cao chất lượng từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, xác định mục tiêu kiểm toán cụ thể, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của từng Bộ, CQTƯ. Thường xuyên tổng kết kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm, kiện toàn việc tổ chức thực hiện trong toàn Ngành.

Đồng thời, theo các đơn vị kiểm toán, vấn đề quan trọng hiện nay là phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự thành công của công tác kiểm toán cũng như chất lượng kiểm toán. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, hướng tới việc tích hợp dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin và phần mềm kế toán - tài chính NSNN./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương đáp ứng yêu cầu Chiến lược