Làm rõ các khoản chi chuyển nguồn
Theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thực trạng chi chuyển nguồn trong thời gian qua khá phức tạp. Năm 2020, 2021 và 2022, chuyển nguồn ngân sách rất lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng. Nếu so với dự toán ngân sách thì năm 2021 chuyển sang năm 2022 khoảng 776.000 tỷ đồng, chiếm đến 45% dự toán và chiếm 45,5% số thực hiện. Còn theo phần chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 cùng với số kết dư thì tổng số này lên đến 894.000 tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán chi, gấp gần 2 lần so với tổng mức vay của cả nước. Việc để số dư chuyển nguồn quá lớn như vậy không chỉ vi phạm quy định về quản lý tài chính - ngân sách mà còn liên quan đến vấn đề quản trị tổng thể và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Do số chuyển nguồn lớn như vậy nên Quốc hội đã yêu cầu KTNN phải làm rõ nguyên nhân nhằm cung cấp các thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội.
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV vừa qua đã kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát để thực hiện đúng quy định đối với một số nội dung. Cụ thể, Báo cáo đã đánh giá: Do Chính phủ báo cáo chưa phân tích, thuyết minh chi tiết đối với phần kinh phí khác với số tiền khá lớn nên KTNN không xác định được tính đúng đắn, trung thực của thông tin này. KTNN mặc dù vẫn đề nghị Quốc hội xem xét quyết toán NSNN năm 2021 nhưng đề nghị giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát để xử lý theo đúng quy định, tránh trường hợp chuyển nguồn không đúng quy định. Đồng thời, Quốc hội giao KTNN trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán phải tập trung vào nội dung này để chỉ rõ những bất cập.
Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN do Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày trước Quốc hội đã đáp ứng được mục tiêu cũng như yêu cầu quản lý. Đặc biệt, việc công bố công khai trước Quốc hội Báo cáo này đã giúp đại biểu Quốc hội có thể yên tâm, tin tưởng vào số liệu quyết toán mà Chính phủ trình trước khi bấm nút thông qua quyết toán NSNN. Thông tin được công khai, minh bạch cũng cảnh báo các đơn vị quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách có trách nhiệm hơn đối với những bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh. Việc công khai, minh bạch báo cáo kiểm toán, kết quả kiểm toán trước nghị trường còn giúp cho việc thực hiện vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội, giám sát của người dân; giúp các cơ quan có trách nhiệm hơn và thực hiện tốt hơn việc quản lý, sử dụng nguồn lực.
Ông Lê Minh Nam
Thực hiện nhiệm vụ nói trên, KTNN cần tập trung kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn để rà soát, đánh giá kỹ theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, điều kiện về thời gian, nhân sự cũng như các nguồn lực khác chưa cho phép KTNN rà soát đầy đủ, toàn diện các báo cáo quyết toán và vẫn đang thực hiện chọn mẫu khi kiểm toán. Do đó, KTNN đã tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách, giảm bớt lồng ghép, giảm bớt kiểm toán chuyên đề (nếu có thì tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm). Với những giải pháp đó, KTNN sẽ giúp các đơn vị thụ hưởng, các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách chấn chỉnh, khắc phục những bất cập này.
Ông Lê Minh Nam mong rằng, KTNN kiểm toán để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn, qua đó giúp Quốc hội không chỉ tăng cường giám sát việc tuân thủ quy định về tài chính - ngân sách nói chung, vấn đề chuyển nguồn nói riêng mà còn giúp tăng hiệu quả tổng thể trong quản lý, quản trị nguồn lực của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật
Đối với việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, theo ông Lê Minh Nam, KTNN cần đánh giá thực trạng tình hình tài chính - ngân sách hằng năm. Theo đó, KTNN thực hiện đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi kiểm toán, đưa ra kết luận, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục. KTNN cũng thực hiện kiểm toán tuân thủ để đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật, quy định quản lý của đơn vị được kiểm toán, qua đó khẳng định đơn vị có chấp hành, tuân thủ quy định hay không. Đây là yêu cầu rất quan trọng và điều quan trọng hơn nữa là kiểm toán để xem xét hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật. Vì thực tế còn hiện tượng văn bản pháp luật chồng chéo; có lỗ hổng trong vận hành, quản lý kinh tế - xã hội; có lĩnh vực còn chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật… dẫn đến tình trạng luật đã ban hành nhưng chưa thể triển khai. Do đó, KTNN cần đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách, kiến nghị hoàn thiện hệ thống quy định, văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản quản lý để giúp cho việc quản lý đi vào kỷ luật, kỷ cương.
Vấn đề thứ hai là KTNN cần tiếp tục đánh giá việc chấp hành kết luận, kiến nghị kiểm toán; tiếp tục đánh giá căn nguyên tại sao một số tồn tại, hạn chế qua rất nhiều năm mà vẫn không được khắc phục. Vấn đề tiếp theo, khi xem xét, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán cũng cần tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với những nội dung cần xem xét kỹ hơn, sâu hơn và cần tăng cường kiểm toán hoạt động. Bởi lẽ, việc tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động sẽ giúp cho báo cáo quyết toán NSNN mang tính tổng thể, bản chất và hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, KTNN cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán; đào tạo cho kiểm toán viên kiến thức, kỹ năng để tiếp cận các phần mềm thực hiện kiểm toán. Đặc biệt Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định KTNN có quyền tiếp cận thông tin của các đơn vị được kiểm toán. Khi đó, kiểm toán viên có thể sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để chủ động đánh giá trước thông tin, chủ động xây dựng sớm kế hoạch kiểm toán.../.