Tạo thuận lợi hơn cho cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách

(BKTO) - Chia sẻ về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII Ngô Minh Kiểm đã thông tin về một số phát hiện nổi bật từ cuộc kiểm toán thí điểm; đồng thời đề xuất đồng bộ các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc tổ chức triển khai các cuộc kiểm toán này.

8-ngo-minh-kiem.jpg
Ông Ngô Minh Kiểm

Những phát hiện nổi bật từ cuộc kiểm toán thí điểm

Năm 2021, KTNN khu vực VII được lãnh đạo KTNN giao nhiệm vụ xây dựng đề cương kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP), đồng thời cũng triển khai thí điểm cuộc kiểm toán này tại tỉnh Lai Châu. Cuộc kiểm toán BCQT NSĐP có sự đổi mới trong phương pháp kiểm toán và kết quả kiểm toán cũng khác so với các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính trước đây. Theo đó, Đoàn kiểm toán tăng cường tổng hợp, không lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán.

Kết quả kiểm toán đã tập trung vào những nội dung thường có nhiều sai phạm liên quan đến chuyển nguồn, thu ngân sách, nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền khoáng sản… Về chi ngân sách, kết quả kiểm toán BCQT NSĐP cũng phát hiện tình trạng lập dự toán ngân sách chưa đầy đủ, chưa sát với thực tế, chưa ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, phải điều chỉnh nhiều lần. Ngoài ra, công tác tạo nguồn cải cách tiền lương, việc tổng hợp xác định nguồn tiền lương không được thực hiện đầy đủ… Đây là tình trạng phổ biến được phát hiện trong cuộc kiểm toán BCQT NSĐP.

Thực tiễn kiểm toán cho thấy, việc chi chuyển nguồn có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2019 chuyển sang năm 2020 là 542.000 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng chi ngân sách, năm 2020 chuyển sang năm 2021 là 643.000 tỷ đồng, chiếm 27% và năm 2021 chuyển sang năm 2022 khoảng 776.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,2%. Số liệu đó cho thấy việc chấp hành ngân sách vẫn chưa nghiêm, chưa kể, nhiều khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định.

Ông Ngô Minh Kiểm

Từ thực tiễn kiểm toán, chúng tôi nhận thấy rằng, kiểm toán BCQT NSĐP đáp ứng được yêu cầu đưa ra ý kiến xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính. Đồng thời, giải quyết được yêu cầu đặt ra theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 là đảm bảo thực hiện kiểm toán 80-100% quyết toán NSĐP trong bối cảnh nguồn nhân lực hạn chế và thời gian kiểm toán tổng hợp tối đa không quá 1 tháng.

Đặc biệt, các cuộc kiểm toán BCQT NSĐP chỉ có 8-10 kiểm toán viên tham gia và tập trung xoay quanh nội dung trọng yếu, những phát hiện đã được chỉ ra từ các cuộc kiểm toán trước đây, chẳng hạn như: Chuyển nguồn, bố trí vốn xây dựng cơ bản…

Ngoài ra, với cách tổ chức thực hiện của cuộc kiểm toán BCQT NSĐP, các đoàn kiểm toán sẽ kết thúc cuộc kiểm toán chậm nhất là ngày 30/10 và phát hành báo cáo kiểm toán trong tháng 11 hằng năm, kịp thời cung cấp thông tin giúp Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh phê chuẩn BCQT NSĐP. Trường hợp chưa kịp phát hành, KTNN cũng đã gửi thông báo kết quả kiểm toán đã được xét duyệt tới HĐND để phục vụ cho việc phê chuyển quyết toán ngân sách.

Cần các giải pháp đồng bộ

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, Quốc hội, Chính phủ cần sửa đổi, rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước như đề xuất của Bộ Tài chính (các Bộ, cơ quan Trung ương gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước cho Bộ Tài chính, KTNN trước ngày 20/7 năm sau thay vì trước ngày 01/10 năm sau). Việc sửa đổi này sẽ tạo điều kiện về mặt thời gian để KTNN mở rộng phạm vi kiểm toán, đánh giá được sâu hơn các nội dung, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán.

Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 đặt mục tiêu: Đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80% và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về phía KTNN, trước hết, cần tập trung vào khâu chuẩn bị, trong đó quan trọng là xây dựng hướng dẫn kiểm toán và sửa đổi chuẩn mực KTNN. Hướng dẫn kiểm toán phải làm nổi bật nội dung về trọng yếu rủi ro, xác định ngưỡng sai sót và dựa trên chuẩn mực quốc tế để đưa ra ý kiến đánh giá.

Thứ hai, KTNN cần phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để đưa hướng dẫn kiểm toán đi vào thực tiễn. Kiểm toán viên nhà nước được đào tạo từ các ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng khi kiểm toán phải đưa ra được ý kiến xét đoán chuyên môn, xác định trọng yếu theo chuẩn mực kiểm toán. Hơn nữa, KTNN phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống liên quan đến kế toán, thuế, ngân sách nhà nước.

Thứ ba, tập trung vào việc lập kế hoạch kiểm toán. Các đoàn kiểm toán phải áp dụng theo đúng đề cương đã được KTNN, đồng thời căn cứ nào nội dung khảo sát gửi cho các địa phương, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, từ đó xác định được đúng trọng tâm kiểm toán. Ngân sách là lĩnh vực rất rộng, các đoàn kiểm toán không thể đánh giá hết tất cả các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành ngân sách. Vì vậy, việc xác định trọng yếu và áp dụng phương pháp trọng yếu rủi ro trong kiểm toán BCQT NSĐP rất quan trọng.

Thứ tư, khi tiến hành kiểm toán, đoàn kiểm toán hạn chế lồng ghép các nội dung kiểm toán để tránh việc bị phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Ngoài ra, KTNN cần nghiên cứu triển khai các cuộc kiểm toán BCQT NSĐP sớm hơn để đảm bảo sau khi kết thúc kiểm toán có đủ thời gian thẩm định, lấy ý kiến, xét xuyết và phát hành báo cáo kiểm toán, kịp thời phục vụ cho kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố trong tháng 11, tháng 12 hằng năm.

Cuối cùng, để đảm bảo chất lượng kiểm toán và báo cáo kiểm toán có tính hiệu lực cao, KTNN cần tăng cường hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán. Hiện nay, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đang được thực hiện thường xuyên ở rất nhiều công đoạn, với sự tham gia của các Vụ tham mưu, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, các KTNN chuyên ngành, khu vực cũng có bộ phận theo dõi, kiểm soát từ khâu lập kế hoạch đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao được chất lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách./.

Năm 2022, KTNN đã kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của 25 Bộ, cơ quan trung ương và 60 địa phương. Năm 2023, KTNN tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của 27 Bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương.

Cùng chuyên mục
Tạo thuận lợi hơn cho cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách