Kiểm toán nhà nước khu vực VIII: Hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện

(BKTO) - Qua gần 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VIII đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.400 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác hơn 8.000 tỷ đồng. Thời gian tới, đơn vị quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo; yêu ngành, yêu nghề; hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện.

sua_7-khu-vuc-viii.jpg
Tập thể KTNN khu vực VIII

Tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các chuyên đề

KTNN khu vực VIII được thành lập theo Quyết định số 12/2007/QĐ-KTNN ngày 12/12/2007 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Những ngày đầu mới thành lập, đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước điều động 5 cán bộ; đến quý III/2008, tổ chức bộ máy được hình thành với 5 phòng (Văn phòng, Phòng Tổng hợp, 3 Phòng nghiệp vụ). Đến nay, tổng số công chức và người lao động của đơn vị là 69 người, gồm 60 công chức và 9 lao động hợp đồng, được tổ chức thành 6 phòng (Văn phòng, Phòng Tổng hợp, 3 Phòng Ngân sách và Phòng Đầu tư dự án).

Qua 17 năm thành lập, KTNN khu vực VIII đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.400 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác hơn 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh kiến nghị xử lý tài chính, đơn vị đã phát hiện những “lỗ hổng” của cơ chế, chính sách, sự thiếu đồng bộ, nhất quán giữa các quy định từ Trung ương đến địa phương, từ đó có các kiến nghị kịp thời, khách quan đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với thực tiễn. Đơn cử: Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn địa phương thực hiện thủ tục cho thuê đất đối với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp, trong trường hợp cụm công nghiệp được ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư không thuộc trường hợp được cho thuê đất để cho thuê lại đất theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 149 Luật Đất đai 2013; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác...

Qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN khu vực VIII đã vinh dự được Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen năm 2019, 2022; tặng Cờ thi đua của KTNN năm 2012, 2015; nhiều cuộc kiểm toán được xếp loại Xuất sắc, một số cuộc kiểm toán đạt danh hiệu chất lượng vàng, được khen thưởng đột xuất…

Những năm gần đây, bên cạnh kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), KTNN khu vực VIII đã tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và các chuyên đề như: Công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng; chương trình nhà ở xã hội; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp… Kết quả kiểm toán đã góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong công tác quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Hiện nay, KTNN khu vực VIII được giao phụ trách kiểm toán 4 tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên. Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, những năm qua, KTNN khu vực VIII luôn tích cực, chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh phụ trách để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách đảm bảo hiệu quả, minh bạch trong quản lý ngân sách, tài chính công, tài sản công.

Triển khai các cuộc kiểm toán gắn với đặc thù địa phương

Nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII Đặng Thế Bình cho biết, đơn vị xác định định hướng phát triển và các giải pháp thời gian tới như sau:

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự của đơn vị, đảm bảo nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Bám sát các mục tiêu kiểm toán hằng năm của KTNN để chỉ đạo việc lập kế hoạch và triển khai kiểm toán theo phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Bên cạnh thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP hằng năm, đơn vị sẽ triển khai thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với đặc thù địa phương như: Kiểm toán môi trường (đặc biệt đối với việc bảo vệ môi trường biển); kiểm toán chuyên đề việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý đất đai; quy hoạch và xây dựng đô thị; quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…; chú trọng việc phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo dõi, đôn đốc và có giải pháp để các kiến nghị kiểm toán được thực hiện.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý và hoạt động kiểm toán, nhất là hỗ trợ cho công tác kiểm toán của các kiểm toán viên, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

Duy trì và phát triển mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán và thông tin kiểm toán phục vụ quản lý, chỉ đạo và giám sát của địa phương. Kịp thời xử lý những vướng mắc xảy ra trong quá trình kiểm toán tại địa phương, đơn vị được kiểm toán.

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

“KTNN khu vực VIII quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo; yêu ngành, yêu nghề; rèn tâm, luyện tài, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao để trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của KTNN” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII Đặng Thế Bình nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước khu vực VIII: Hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện