Vụ Tổng hợp - Những ngày khởi đầu đầy gian nan, vất vả…

HỒNG THOAN (thực hiện) | 27/06/2024 13:40

(BKTO) - Ông Đào Văn Dũng (nguyên Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành Ia, từng công tác từ năm 2006-2017 tại Vụ Tổng hợp, trong đó có nhiều năm làm Vụ trưởng) chia sẻ, ngay từ những năm đầu thành lập, Vụ Tổng hợp đã phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ mới và khó, tuy nhân lực thiếu nhưng Vụ đã từng bước vươn lên, khẳng định được uy tín, vai trò và vị thế trong tổ chức bộ máy của KTNN.

8-ong-dao-van-dung.jpg
Ông Đào Văn Dũng

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những ngày khởi đầu đầy gian nan của Vụ Tổng hợp?

Năm 2006, Vụ Tổng hợp được thành lập để đảm nhận phần lớn nhiệm vụ từ Vụ Giám định chuyển sang, nhưng nhân sự chuyển từ Vụ Giám định sang chỉ có anh Trần Khánh Hòa (hiện là Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV), tổng số nhân sự ban đầu chỉ có 8 người. Tuy vừa thành lập nhưng Vụ đã được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm của KTNN, lúc đó công việc đều rất mới mẻ, nhiều việc còn rối như “tơ vò”, chúng tôi phải vừa làm, vừa tìm tòi, suy nghĩ.

Ngày đầu xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm rất vất vả, đầy trăn trở xem viết báo cáo như thế nào, tổng hợp kết quả ra sao, vì lúc đó chưa có khuôn mẫu nào để học hỏi, làm theo. Đến nay, tuy đã nghỉ hưu theo chế độ, nhưng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh các anh em tâm huyết, say sưa tìm hiểu, miệt mài suy nghĩ để viết nên Báo cáo. Bởi các đơn vị chỉ gửi về Vụ các báo cáo kết quả kiểm toán riêng lẻ nên việc chắt lọc, lựa chọn thông tin để đưa vào Báo cáo là cả một vấn đề lớn, lãnh đạo Vụ Tổng hợp và các anh em phải tổng hợp lại, đọc và chỉnh sửa từng câu, từng chữ.

Nhiệm vụ đặc biệt khó nữa là năm 2008, Tổng Kiểm toán nhà nước chuyển nhiệm vụ kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Vụ Kiểm toán Ngân sách I (nay là KTNN chuyên ngành II) chủ trì sang cho Vụ Tổng hợp thực hiện, trong khi nhân sự của Vụ lúc đó chỉ khoảng 10 người. Nhưng khó khăn hơn cả trong giai đoạn này là kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán đều phải xin số liệu từ Bộ Tài chính để đưa vào Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN vì KTNN không thể tổng hợp được do công tác tổng hợp chưa thành nền nếp, thiếu số liệu. Để triển khai thực hiện cuộc kiểm toán này, các anh em đã dành nhiều tâm huyết, trăn trở, nghĩ suy rất nhiều để tìm ra phương án tốt nhất, khắc phục được khó khăn do thiếu nhân lực. Vụ đã đề xuất lựa chọn các công chức, kiểm toán viên từ các đơn vị trong Ngành, mà chủ lực là từ Vụ Kiểm toán Ngân sách I và Vụ Kiểm toán Ngân sách II (nay là KTNN chuyên ngành III) tham gia cuộc kiểm toán này, Vụ Tổng hợp đóng vai trò chủ trì, làm Trưởng đoàn kiểm toán. Theo thời gian, nhân sự từng bước được kiện toàn, Vụ Tổng hợp cũng dần chủ động hơn, giảm được việc huy động các công chức, kiểm toán viên từ đơn vị khác…

Từ năm 2015, Vụ được giao thực hiện nhiệm vụ viết Báo cáo công tác của KTNN. Vụ Tổng hợp đã phải tham khảo rất nhiều báo cáo của các Bộ, ngành để viết, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) phản hồi báo cáo không đạt, cần phải có sự khác biệt với Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và nội dung phải chú trọng viết về Báo cáo công tác của Tổng Kiểm toán nhà nước. Khi đó, tôi cùng với các đồng nghiệp: Nguyễn Hữu Phúc (hiện là Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib), Nguyễn Giang Sơn (hiện là Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII), Lê Hoài Nam (hiện là Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp) và nhiều nhân sự trong Vụ phải viết lại Báo cáo…

Đó là chưa kể, từ khi Vụ Tổng hợp ra đời phải đảm đương từ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, đến thẩm định báo cáo kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán… nên gần như tất cả các văn bản chuyên môn của Ngành đều có sự tham gia, tham mưu của Vụ Tổng hợp. Tuy vất vả là thế nhưng chính những công việc đó đã giúp cho Vụ phát huy được vai trò, vị thế của mình.

Một yếu tố thuận lợi là Vụ Tổng hợp nắm được thông tin từ tất cả các cuộc kiểm toán để làm cơ sở tổ chức xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm. Vì vậy, Vụ có khả năng thực hiện tốt cuộc Kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN để lãnh đạo KTNN tham mưu cho Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN. Nếu không thực hiện cuộc kiểm toán này thì chất lượng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm của KTNN sẽ giảm sút.

Ông Đào Văn Dũng

Tuy nhân sự ban đầu thiếu thốn, nhưng theo thời gian, chính Vụ Tổng hợp lại trở thành cái nôi đào tạo, cung cấp nhân sự chất lượng cho Ngành. Ý kiến của ông về nhận xét này như thế nào, thưa ông?

Những năm đầu mới thành lập là quãng thời gian đầy vất vả, gian nan, có những buổi tối anh em trong Vụ phải làm việc tại cơ quan đến 11h đêm… Nhưng giai đoạn sau đó, rất nhiều anh em đã trưởng thành và cho đến nay đang nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều đơn vị như: KTNN chuyên ngành Ib; KTNN chuyên ngành III; KTNN chuyên ngành VII; Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể; KTNN khu vực I; KTNN khu vực IV… và tại chính Vụ Tổng hợp. Cũng nhờ kế thừa nền tảng tốt, hiện nay, nhân sự của Vụ Tổng hợp đã rất vững vàng, tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng được giao.

Chỉ sau 2 năm thành lập, Vụ Tổng hợp đã khẳng định được vai trò, vị trí không thể thiếu, được lãnh đạo KTNN đánh giá rất cao. Bí quyết giúp Vụ Tổng hợp nhanh chóng trưởng thành chính là nhờ đổi mới trong quan điểm tuyển chọn nhân sự. Vụ Tổng hợp đề xuất được đón nhận những người giàu tâm huyết, xác định gắn bó lâu dài với đơn vị. Đề xuất được chấp nhận, lãnh đạo KTNN cho phép Vụ lựa chọn những nhân sự tốt, chuyên môn vững vàng, giàu tâm huyết từ các đơn vị trong Ngành. Bí quyết quan trọng thứ hai là những người làm tốt phải được ghi nhận và biểu dương. Một yếu tố quan trọng nữa, lãnh đạo Vụ Tổng hợp phải là người có uy tín trong Ngành, nắm được tất cả thông tin về hoạt động kiểm toán, chất lượng kiểm toán của Ngành và yêu cầu của lãnh đạo KTNN đối với các đơn vị. Do đó, lãnh đạo Vụ Tổng hợp phải có chuyên môn vững vàng và giàu tâm huyết, phải trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng của đơn vị.

Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về những bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán ngân sách của Vụ Tổng hợp và của toàn Ngành?

Hiện nay, công việc kiểm toán, trong đó có cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ nhân sự tăng, đặc biệt là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán. Đoàn kiểm toán đã có thể thu thập số liệu từ phần mềm kế toán của Kho bạc Nhà nước, số liệu lấy dễ dàng và được cập nhật thường xuyên.

Luật KTNN năm 2005 cũng quy định, KTNN phải trình bày ý kiến về dự toán NSNN hằng năm - nhiệm vụ này đến năm 2014 mới bắt đầu làm. Vụ Tổng hợp đã chủ trì, tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước cử đại diện các đơn vị đi nghe thảo luận về dự toán NSNN tại Bộ Tài chính. Từ đó, anh em tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cập nhật được số liệu hằng năm nên đã dần thực hiện được và đến nay vẫn đang tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này.

Những khó khăn, vất vả, gian nan nhất đã vượt qua, được các anh em kế thừa và phát huy rất tốt. Tôi rất phấn khởi vì hiện nay Ngành đã làm tốt việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách các Bộ, ngành, địa phương, tiến tới thực hiện đạt mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đề ra. Điều này rất đáng mừng, vì trước đây đã có thời điểm rất ít địa phương sử dụng số liệu của KTNN để quyết toán ngân sách địa phương nhưng nếu tiến tới hằng năm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 100% địa phương thì đây là một bước tiến lớn, thể hiện được quyết tâm và đột phá của KTNN. Khi KTNN làm bài bản, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thì các địa phương sẽ phải lấy số liệu của kiểm toán để quyết toán ngân sách địa phương, nếu không thì địa phương cũng phải lấy số liệu đó làm gốc và xoay quanh đó địa phương điều chỉnh gì sẽ phải thuyết minh và KTNN phải được biết. Như vậy, vai trò của KTNN với các địa phương ngày càng được nâng cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Vụ Tổng hợp - Những ngày khởi đầu đầy gian nan, vất vả…