Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng thu về đất gần 3,4 nghìn tỷ đồng

(BKTO) - Tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ năm 2020-2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) về đất 3.377 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp của nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác…

Sáng 06/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến Kỳ họp thứ 4, của KTNN.

tong-kt611.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VPQH

Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị (Nghị quyết số 82) và Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Nghị quyết số 74), Ban cán sự Đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán về thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 74, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kiểm toán; ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hiệu lực, hiệu quả kiểm toán đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) nói riêng.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN tăng cường kiểm toán nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách…

KTNN đã xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025 (Kế hoạch số 1432/KH-KTNN ngày 30/12/2022) với mục tiêu định hướng bám sát lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; định hướng kế hoạch kiểm toán trung hạn và các nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kế hoạch kiểm toán năm 2023 thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 27 Bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 66% (27/41) số đầu mối; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52 địa phương, đạt tỷ lệ 83% (52/63) số đầu mối; số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt 23% tổng số cuộc kiểm toán (30/129 cuộc) phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

KTNN đã và đang thực hiện kiểm toán một số nhiệm vụ quan trọng như: Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022”; chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022” theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, KTNN đã thực hiện một số chuyên đề kiểm toán theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; chuyên đề “Việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội”; các chuyên đề phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tối cao đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023.

Ngoài ra, triển khai Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị ngay trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2023, kiểm toán quyết toán NSNN các cấp năm 2022 phải quán triệt, nghiên cứu tổ chức rút kinh nghiệm, thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động kiểm toán tại Báo cáo số 497/BC-UBTVQH15 ngày 18/6/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội.

“Đến nay, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đang được thực hiện theo đúng Phương án tổ chức kiểm toán đã ban hành”- Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

Tính đến 30/9/2023, KTNN đã triển khai các đoàn kiểm toán đạt 91% kế hoạch kiểm toán năm, phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng; trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định thuộc 84 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng cho biết, thực hiện yêu cầu của Quốc hội về tăng cường công khai kết quả kiểm toán tại Nghị quyết số 74, hàng năm KTNN đều thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN.

Đặc biệt, KTNN đã tổ chức số hóa và cung cấp toàn bộ các báo cáo kiểm toán năm 2022, các báo cáo kiểm toán phát hành từ năm 2023 đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Ngoài ra, KTNN còn tổng hợp những nội dung, phát hiện kiểm toán trọng yếu đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng để công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, Báo Kiểm toán.

Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán luôn được KTNN quan tâm chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, KTNN đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách tổ chức phiên giải trình về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tăng cường kiểm toán công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao tai Nghị quyết số 82, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, KTNN đã tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm.

db6.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo đó, KTNN đã thực hiện một số nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề gắn với hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, như: Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020; Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021.

Tại các cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tập đoàn, tổng công ty…, KTNN cũng đã xác định các nội dung kiểm toán trọng yếu liên quan bao gồm: việc quản lý và sử dụng đất đai; việc triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; việc quản lý, sử dụng tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất…

“Tổng hợp kết quả kiểm toán có liên quan đến chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN về đất 3.377 tỷ đồng” - Tổng Kiểm toán nhà nước thông tin.

Cùng với đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp tại 08 văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, KTNN đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mục 2 Chương 8 tại Luật Đất đai năm 2013 để quy định cụ thể về thẩm quyền và trình tự thực hiện việc điều chỉnh giá đất, tiền sử dụng đất theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; bổ sung quy định rõ thời hạn phải hoàn thành và phê duyệt quy hoạch tỉnh và sử dụng đất cấp huyện tại Luật Quy hoạch năm 2017 và 06 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; 12 văn bản quy phạm pháp luật và 23 văn bản khác do các địa phương ban hành.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng và đã được KTNN kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng thu về đất gần 3,4 nghìn tỷ đồng