Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác năm 2023

D.THIỆN - H.THOAN - N.LỘC | 29/12/2022 15:02

(BKTO) - Chiều 29/12, Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2023 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã diễn ra tại trụ sở KTNN. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

tkn-pho-ctqh.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Rón - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội: Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu Quốc hội…; cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…

Về phía KTNN có đồng chí: Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước và các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh; Đặng Thế Vinh; Hà Thị Mỹ Dung; Doãn Anh Thơ và nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các bộ phận chức năng và đại diện các tập thể, cá nhân đạt các danh hiệu thi đua năm 2022.

tkn-pho-tong-kt.jpg
Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước tham dự Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng theo dõi những kết quả công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023 của KTNN.

Năm 2022, KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ là “Bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022, thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); tích cực đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng”.

Mặc dù trong những tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN, song tập thể Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, bảo đảm ngành hoạt động liên tục, ổn định, thực hiện nhiệm vụ được giao đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả, với nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, năm 2022, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Cụ thể, công tác xây dựng Kế hoạch kiểm toán đảm bảo đúng pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong Kế hoạch kiểm toán năm 2022 (gồm 178 nhiệm vụ kiểm toán), ngoài trọng tâm kiểm toán báo cáo quyết toán của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển của ngành, KTNN đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề quan trọng của đất nước phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngoài việc nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm, KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán sát hợp với từng đơn vị đầu mối kiểm toán.

Đồng thời chú trọng bố trí thời gian, nhân sự cho công tác kiểm toán tổng hợp để đánh giá sâu và toàn diện hơn việc quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị theo chức năng nhiệm vụ cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị, khắc phục.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán được chú trọng thông qua triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán.

Đến 15/12/2022, toàn ngành đã xét duyệt 234/234 kế hoạch kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 325 Dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 287 báo cáo kiểm toán.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 15/12/2022 đối với 293 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp.

tkn-quang-canh.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Trong năm 2022, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát trong đó có nhiều vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Riêng với cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã kiến nghị xử lý 3.431,2 tỷ đồng và chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra. Đồng thời, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ ngay trong quá trình kiểm toán, kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2022, KTNN đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 05 dự án quan trọng quốc gia, báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; cho ý kiến về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 với nhiều ý kiến chất lượng, được Quốc hội, UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao.

Tích cực góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay từ đầu năm, KTNN đã ban hành Kế hoạch về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ngành và Kế hoạch của Tổng Kiểm toán nhà nước - Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Với trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực.

Đặc biệt, KTNN đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; hoàn thành Báo cáo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực KTNN” gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội….

Cùng với những kết quả nổi bật trong hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định, trên tất cả các lĩnh vực công tác của KTNN như xây dựng và phổ biến pháp luật; công tác tổ chức cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin; công tác thi đua khen thưởng… đều đạt những kết quả khả quan, toàn diện, góp phần giúp toàn ngành KTNN hoàn thành thắng lợi kế hoạch công tác năm 2022...

Năm 2023, KTNN xác định giảm quy mô tần suất kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị được kiểm toán song vẫn phải bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH, theo đó, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã được xây dựng với 129 nhiệm vụ (giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022).

Báo điện tử Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị tới bạn đọc.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác năm 2023