Thẩm định Đề cương giáo trình Quản lý ngân sách nhà nước

(BKTO) - Sáng 29/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề cương giáo trình “Quản lý ngân sách nhà nước”. Tham dự cuộc họp có GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ trì biên soạn Giáo trình cùng các thành viên trong Hội đồng thẩm định và Ban biên soạn.

dsc_2506.jpg
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề cương giáo trình “Quản lý ngân sách nhà nước”. Ảnh: Nguyễn Ly

Giáo trình Quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) được biên soạn dành cho các kiểm toán viên nhà nước tham gia chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm toán viên; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ quản lý NSNN.

Mục tiêu của Giáo trình nhằm cung cấp cho người học kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý NSNN, cụ thể: Trang bị cho người học kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý NSNN và vai trò của KTNN trong kiểm toán quyết toán NSNN; giúp người học vận dụng những kiến thức lý luận và nghiệp vụ vào giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn về NSNN. Trên cơ sở đó, kiểm toán viên có thể vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán NSNN.

dsc_2503.jpg
Ban biên soạn trình bày Đề cương Giáo trình. Ảnh: Nguyễn Ly

Giáo trình được thiết kế gồm 5 chương: Chương 1 - Tổng quan về quản lý NSNN; Chương 2 - Lập và quyết định dự toán NSNN; Chương 3 - Chấp hành NSNN; Chương 4 - Kiểm toán và quyết toán NSNN; Chương 5 - Đánh giá quản lý NSNN.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá Đề cương Giáo trình cơ bản đã bao quát các nội dung về quản lý NSNN, từ lập dự toán, quyết định dự toán, chấp hành NSNN, quyết toán NSNN, tuy nhiên cần bổ sung nội dung về kế toán NSNN.

Cùng với đó, Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ các đề mục về kiểm toán tại các chương để đảm bảo thống nhất, tránh trùng lặp và nêu bật được vai trò, nhiệm vụ của KTNN trong quản lý NSNN, bao gồm lập, quyết định dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN.

Hội đồng thẩm định đề nghị Ban biên soạn nghiên cứu, bổ sung thêm một số các nội dung về: Bội thu NSNN, quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán từ nguồn bội thu; bội chi NSNN, quy định về nguồn bù đắp bội chi, việc quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn bội chi; tăng thu NSNN, quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn tăng thu; hụt thu NSNN, quy định về xử lý khi hụt thu NSNN; kết dư NSNN, quy định về xử lý, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kết dư ngân sách.

Đồng thời, bổ sung kế toán NSNN và nghiệp vụ kho bạc (Tabmis); cấp ngân sách, đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách; khuôn khổ, giới hạn trích, quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, vay; hạch toán, kế toán, tổng hợp quyết toán các khoản Ứng trước dự toán năm sau, ghi thu - ghi chi, chi theo hình thức lệnh chi tiền, chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách…/.

Cùng chuyên mục
Thẩm định Đề cương giáo trình Quản lý ngân sách nhà nước