Kiểm toán nội bộ cần tham gia vào việc thiết lập và quản lý rủi ro chiến lược ESG

(BKTO) - Các tổ chức đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cấp bách và phức tạp liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Do đó, kiểm toán nội bộ phải đóng vai trò trung tâm, giúp tổ chức giải quyết các yêu cầu về pháp lý và đáp ứng kỳ vọng đang thay đổi nhanh chóng của các bên liên quan.

8-ktnb-phai-dong-vai-tro-trung-tam-giup-to-chuc-giai-quyet-cac-yeu-cau-ve-esg.-anh-iia.png
Kiểm toán nội bộ phải đóng vai trò trung tâm, giúp tổ chức giải aquyết các yêu cầu về ESG. Ảnh IIA

Những trở ngại về dữ liệu và nguồn lực

Khảo sát mới đây của Viện Kiểm toán nội bộ (IIA) và EY cho thấy, 54% doanh nghiệp áp dụng các biện pháp báo cáo ESG; 52% công ty có chiến lược ESG; 49% công ty đã thiết lập các mục tiêu và chỉ tiêu ESG và chỉ có 24% công ty có kế hoạch triển khai nhưng chưa có chương trình ESG cụ thể. Các chương trình về ESG cũng rất đa dạng, trong đó thường xuyên nhất là tính đa dạng, công bằng và hòa nhập (66%); môi trường, sức khỏe và an toàn (58%); biến đổi khí hậu (38%).

Tuy nhiên, các kiểm toán viên nội bộ lại hiếm khi tham gia vào việc thiết lập chiến lược hoặc giám sát việc thực hiện các mục tiêu của ESG. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, chưa đến 30% giám đốc điều hành kiểm toán (CAE) có tham gia vào một hoặc nhiều hoạt động liên quan đến cung cấp lời khuyên về việc thiết lập các mục tiêu và số liệu của chương trình ESG; giám sát các mục tiêu và số liệu ESG; rà soát việc thực hiện chương trình ESG và các văn bản chính sách liên quan.

Theo khảo sát, những trở ngại phổ biến cản trở sự tham gia của kiểm toán nội bộ trong các chương trình ESG thường là: Dữ liệu hỗ trợ các cam kết ESG rất ít hoặc không có sẵn; ESG không được coi là ưu tiên trong kế hoạch kiểm toán hằng năm; ESG không phải là một phần văn hóa của tổ chức; ESG không được ưu tiên quản lý rủi ro doanh nghiệp; kiểm toán nội bộ không có nguồn lực để hỗ trợ tổ chức về ESG. Ngoài ra, nhiều tổ chức vẫn sử dụng các quy trình không chính thức và thu thập dữ liệu thủ công về ESG. Điều này gây ra nhiều rắc rối khi ESG trở thành một yêu cầu/lợi thế cạnh tranh trên thị trường và các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ vấn đề này.

Rõ ràng, sự tham gia của kiểm toán nội bộ vào các hoạt động ESG cần phải tăng lên trong bối cảnh ESG trở thành một chiến lược quan trọng và nhu cầu kinh doanh. Không chỉ vậy, kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro cần phải kết nối linh hoạt để cung cấp thông tin kịp thời, ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro, đồng thời nắm bắt các mô hình mới giúp doanh nghiệp chuyển đổi và thành công. Khi cả ba tuyến phòng thủ hoạt động và kết nối mạnh mẽ, sự hiểu biết về các mục tiêu ESG và dữ liệu đưa ra sẽ giúp các tổ chức hưởng lợi.

Kiểm toán nội bộ đóng vai trò quản lý rủi ro trong chiến lược ESG

Nghiên cứu của IIA và EY nhấn mạnh, kiểm toán nội bộ có thể giúp đảm bảo chiến lược ESG phù hợp với các mục tiêu của tổ chức và đáp ứng yêu cầu về chính sách của các cơ quan quản lý. Ngoài ra, kiểm toán nội bộ cũng có thể đánh giá việc các đối tác kinh doanh có đang triển khai hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của chiến lược ESG mà tổ chức đã thiết lập hay không.

Bên cạnh đó, nhóm quản lý rủi ro có thể phối hợp với kiểm toán viên nội bộ thiết lập các biện pháp kiểm soát, chức năng theo dõi và phân tích cần thiết, từ đó tăng độ tin cậy trong việc định lượng rủi ro và tạo ra giá trị. Chức năng kiểm toán nội bộ có thể được xem là tuyến kiểm soát cuối cùng cho dữ liệu của tổ chức, vì vậy các kiểm toán viên có thể xây dựng và tăng niềm tin của các bên liên quan, nhà đầu tư vào chiến lược ESG thông qua báo cáo chính xác từ các nguồn dữ liệu hợp lệ, số liệu được định lượng hoặc phương pháp ước tính được xác định.

Khi ESG đã trờ thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của tổ chức, kiểm toán nội bộ sẽ đóng vai trò thiết lập các chương trình quản lý rủi ro; xác định những việc công ty cần làm để định lượng chính xác các rủi ro liên quan đến ESG; theo dõi tiến trình của tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro và thiết kế một hệ thống báo cáo để cập nhật cho các bên liên quan về tiến độ triển khai ESG.

Mọi tổ chức đều cảm nhận được tác động của ESG đến sự phát triển bền vững và những doanh nghiệp không thích ứng có thể bị tổn hại về danh tiếng, mất niềm tin của nhà đầu tư, bao gồm cả việc mất khả năng tiếp cận vốn và cơ hội thương mại. Ngược lại, những doanh nghiệp chủ động quản lý rủi ro, tận dụng cơ hội về ESG thông qua sự hỗ trợ của kiểm toán nội bộ có thể tạo ra tác động lâu dài và giá trị tài chính bền vững cho tất cả các bên liên quan./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nội bộ cần tham gia vào việc thiết lập và quản lý rủi ro chiến lược ESG