Tác động tích cực của kiểm toán nội bộ tới quản trị công ty
Để hướng tới phát triển bền vững, các tổ chức, doanh nghiệp cần thiết lập và tuân thủ bộ quy tắc về quản trị công ty hiệu quả. Quản trị công ty được xác định bởi các cơ cấu, quy trình liên quan mật thiết đến việc định hướng và kiểm soát nhằm phân chia quyền lợi, trách nhiệm một cách phù hợp.
Trong quản trị công ty, KTNB đóng vai trò quan trọng. Đầu những năm 2000, vai trò của kiểm toán viên nội bộ (KTV) đã được mở rộng. Theo đó, từ việc chỉ tập trung vào báo cáo tài chính, KTNB đã mở rộng vai trò trong các vấn đề về quản trị doanh nghiệp nói chung.
Theo Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA), khi thực tế biến đổi nhanh chóng về ứng dụng công nghệ, an ninh mạng, KTNB cần có những đổi mới đột phá, thực hiện năng động và linh hoạt, đồng thời là nguồn lực không thể thiếu để hỗ trợ quản trị công ty lành mạnh. Khi rủi ro tăng lên và trở nên phức tạp hơn, vai trò của KTNB có khả năng mở rộng trong các lĩnh vực như: Quản trị rủi ro, văn hóa và hành vi, tính bền vững và các biện pháp phi tài chính khác nhằm hỗ trợ đắc lực cho quản trị công ty.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quản trị công ty chỉ được coi là hiệu quả khi khích lệ Ban giám đốc và Hội đồng quản trị theo đuổi mục tiêu vì lợi ích của công ty và các cổ đông, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hoạt động của công ty, từ đó khuyến khích công ty sử dụng các nguồn lực một cách tốt hơn.
KTNB có thể thực hiện các đánh giá một cách khách quan, cung cấp cho Ban quản lý và Hội đồng quản trị sự phê bình sáng suốt, khách quan đối với các quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ. Dựa trên những phát hiện của mình, KTNB đề xuất các thay đổi để cải thiện, đổi mới các quy trình và theo dõi việc thực hiện chúng. Như vậy, khi được tổ chức cung cấp các nguồn lực phù hợp, KTNB sẽ mang lại các tác động tích cực tới quản trị công ty và gia tăng giá trị cho tổ chức.
Ngược lại, quản trị công ty có tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng tài sản, chi phí vốn huy động, năng lực quản trị điều hành, quản lý, hiệu suất tổng thể của công ty - những đối tượng mà KTNB quan tâm.
Quản trị công ty tốt sẽ tạo điều kiện để KTNB tập trung vào các hoạt động mang lại giá trị gia tăng thay vì phải tập trung vào kiểm tra, kiểm toán tuân thủ. Quản trị công ty cũng cung cấp các cơ chế, hệ thống các quy định thuận lợi để KTNB đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận, phòng ban, đồng thời có cơ cấu tổ chức hợp lý và hiệu quả nhất với chính bộ phận KTNB.
Thiết lập “kiềng ba chân” để tăng cường quản trị doanh nghiệp
Để quản trị công ty hiệu quả, các tổ chức cần ban hành bộ quy tắc về quản trị công ty, tiếp cận quản trị công ty dựa trên các thông lệ tiên tiến trên thế giới. Trong đó, cần thiết lập và duy trì sức mạnh của “kiềng ba chân”: Hội đồng quản trị, Ủy ban kiểm toán và KTNB.
Hội đồng quản trị thiết lập các cấu trúc và quy trình xác định quản trị trong tổ chức, có tính đến quan điểm của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và ban quản lý cùng các bên liên quan. Hội đồng giám sát, theo dõi các rủi ro chiến lược, hoạt động, tài chính và tuân thủ của công ty; hợp tác với ban quản lý trong việc thiết lập khẩu vị rủi ro, khả năng chấp nhận rủi ro và liên kết với các ưu tiên chiến lược.
Hội đồng quản trị và các nhà quản lý cấp cao cần có nhận thức và sự đầu tư nguồn lực cho KTNB, bao gồm: Nhận thức được tầm quan trọng của quy trình kiểm toán; thực hiện các biện pháp nâng cao hoạt động và quyền lực của KTV; hỗ trợ nguồn lực (vật lực, tài chính, nhân sự) để KTNB thực hiện công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả; đảm bảo tính độc lập của Trưởng bộ phận KTNB.
Ủy ban kiểm toán được trao quyền để thay mặt Hội đồng quản trị thực hiện giám sát trong quản trị công ty với mục đích bảo vệ các nhà đầu tư và tăng trách nhiệm giải trình, đánh giá nhu cầu về nguồn lực, đồng thời làm trung gian cho mối quan hệ của đánh giá viên với tổ chức. Các ủy ban kiểm toán cũng đảm bảo rằng các kết quả kiểm toán được công bố và mọi cải tiến hoặc hành động khắc phục đều được thực hiện.
Trước thực tế liên tục biến đổi, các thành viên Ủy ban kiểm toán cần tăng cường các kỹ năng giám sát về quản trị doanh nghiệp và mở rộng sang các vấn đề quan hệ khách hàng khác. Sự thành công của Ủy ban kiểm toán trong việc thực hiện trách nhiệm giám sát liên quan đến mối quan hệ công việc của họ với những người tham gia quản trị công ty, bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, KTV, cố vấn pháp lý và cả các kiểm toán viên độc lập.
Về phía KTNB, các KTV cần thiết lập kế hoạch, chương trình kiểm toán, nguồn lực gắn liền với các rủi ro mà công ty đối diện nhằm đánh giá và đưa ra các kiến nghị phù hợp giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giảm thiểu tối đa về thiệt hại từ các rủi ro có thể xảy ra.
KTNB cần phát triển và thực hiện thường xuyên hơn hoạt động kiểm toán để giám sát, kiểm tra theo thời gian thực một cách liên tục, từ đó đưa ra kiến nghị, hành động kịp thời khi phát hiện ra các lỗ hổng, rủi ro. Định kỳ hai hoặc ba năm, KTNB cần đánh giá độc lập về tính đầy đủ, hiệu quả của chức năng kiểm toán nói chung và quản trị công ty nói riêng.
KTNB và quản trị công ty ảnh hưởng đến tất cả các loại hoạt động kinh tế của một tổ chức. Việc tổ chức áp dụng tốt bộ quy tắc về quản trị công ty sẽ tạo môi trường thuận lợi để KTNB thực hiện chức năng tư vấn kết hợp với việc giám sát liên tục các hoạt động, đưa ra giải pháp kịp thời đối phó với rủi ro. Đồng thời, KTNB cũng là một chìa khóa cơ bản để cải thiện và nâng cao chất lượng quản trị công ty./.