4 góc nhìn về trách nhiệm giải trình
Ngày nay, thuật ngữ “TNGT” xuất hiện trong nhiều văn bản của Chính phủ. Đây không còn là vấn đề mới nhưng vẫn là khái niệm mới đối với nền hành chính công vụ, đặc biệt đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Vì chưa hiểu rõ về TNGT trong hoạt động KTMT nên nhiều cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã tự “tước bỏ” quyền được giải trình của mình về những vấn đề bất cập hình thành bởi yếu tố hoặc bối cảnh khách quan.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra rằng, không có bất kỳ định nghĩa chung nào về TNGT giữa các quốc gia do sự khác biệt về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhận thức. Xét từ bản chất của các kênh xác lập TNGT, có thể phân tách TNGT theo 4 góc nhìn, gồm: TNGT về chính trị, TNGT về hành chính, TNGT về nghề nghiệp và TNGT trước xã hội.
Trong đó, TNGT về hành chính nhấn mạnh sự tuân thủ quy định, quy trình, chuẩn mực… trong nội bộ nền hành chính công và chia làm 2 loại là TNGT theo hàng dọc (giữa thuộc cấp với thủ trưởng, giữa cấp dưới với cấp trên) và TNGT theo hàng ngang (giữa cá nhân/tổ chức với các đơn vị khác có chức năng thanh tra, giám sát).
Như vậy, TNGT của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động KTMT được xếp vào loại TNGT về hành chính theo hàng ngang. TNGT này được thiết lập giữa nền công vụ với các tổ chức có chức năng giám sát, như: Kiểm toán nhà nước (KTNN), Thanh tra Chính phủ… Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có nghĩa vụ báo cáo, thông báo và chứng minh việc tuân thủ các luật và quy định về môi trường, chịu trách nhiệm về hoạt động, tác động và ảnh hưởng môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện TNGT về môi trường giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, phòng ngừa, kiểm soát các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
TNGT của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động KTMT là việc thực hiện TNGT về hành chính theo hàng ngang. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của KTNN.
Trên cơ sở đó, KTNN đưa ra các kết luận, kiến nghị giúp nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về môi trường và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời giúp phòng ngừa, kiểm soát các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
Kinh nghiệm trên thế giới
Tại Australia, quốc gia này không có định nghĩa về TNGT của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, nước này có một bộ cơ chế rất tốt để điều chỉnh TNGT về môi trường cho khu vực công. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường thiết lập một quy định bắt buộc về chế độ báo cáo hằng năm đối với tất cả các tổ chức công liên bang. Australia cũng có một bộ cơ sở dữ liệu tốt về thông tin môi trường bắt nguồn từ việc tham gia các hiệp định, hiệp ước quốc tế và các thông tin tự nguyện do các tổ chức có liên quan cập nhật vào hệ thống thông tin.
Bên cạnh đó, Australia còn thành lập Hội đồng Bảo vệ môi trường quốc gia với sự tham gia của các thành viên Chính phủ nhằm điều phối các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Australia có hệ thống tài phán rất vững chắc và giải quyết các vi phạm về môi trường trước pháp luật bằng các hành động hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Còn tại Hoa Kỳ, những tiến bộ của hệ thống TNGT về môi trường đối với khu vực công trong hơn 30 năm qua rất đáng chú ý. Các công cụ và cơ chế được Cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường Hoa Kỳ và KTNN Hoa Kỳ (GAO) sử dụng rất đa dạng, đổi mới. Luật Bảo vệ môi trường quốc gia quy định nghĩa vụ thực hiện báo cáo hằng năm về hoạt động môi trường đối với các tổ chức liên bang; cơ quan quản lý môi trường và GAO có chính sách KTMT thống nhất; có một số công cụ và cơ sở dữ liệu về một số chủ đề.
Trong thực thi pháp luật, Chính phủ Hoa Kỳ cũng có chính sách tài phán mạnh mẽ để đảm bảo tuân thủ và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời có hình phạt thích đáng khiến tất cả các tổ chức trong mọi tình huống đều không muốn “phá” luật và quy định về môi trường. Điểm nổi bật trong hệ thống TNGT về môi trường của Hoa Kỳ là sự phát triển các chương trình về kế toán môi trường, hệ thống kế toán quản lý môi trường, phân tích kinh tế theo quy định hoặc hiệu suất giá môi trường…
Bài học cho Việt Nam
Theo kinh nghiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và các nghiên cứu quốc tế khác, một trong những công cụ để nâng cao TNGT của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chính là KTMT do các cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện.
KTNN Việt Nam với vai trò là cơ quan hiến định độc lập, có trách nhiệm KTMT để phục vụ Quốc hội giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và TNGT trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
TNGT về môi trường là một trong những biện pháp kiểm soát quyền lực hữu hiệu và là cơ chế tốt nhất mà Chính phủ có để đối phó với các vấn đề môi trường và thúc đẩy một con đường mới hướng tới sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế điều chỉnh TNGT của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Các quy định pháp luật về môi trường cần được xây dựng đầy đủ và xác định rõ trách nhiệm tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu tốt về thông tin môi trường; thiết lập một tổ chức môi trường cấp quốc gia với sự tham gia của các thành viên Chính phủ nhằm điều phối các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường cần đảm bảo tính răn đe và không tái phạm của các tổ chức, cá nhân./.