Hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP của KTNN ban hành năm 2022 nêu rõ, việc kiểm toán BCQT NSĐP chỉ tập trung kiểm toán BCQT do UBND tỉnh lập với phạm vi, nội dung và giới hạn kiểm toán thu hẹp (chỉ kiểm toán tổng hợp tại 05 cơ quan quản lý tài chính cấp tỉnh, gồm: Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở KH&ĐT và Kho bạc Nhà nước) nhằm mục tiêu xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT NSĐP.
Đồng thời, Hướng dẫn cũng nêu rõ: các cuộc kiểm toán BCQT NSĐP không xây dựng mục tiêu “đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” như các cuộc kiểm toán NSĐP; việc thực hiện mục tiêu “Xác nhận tính trung thực, hợp lý của số liệu báo cáo quyết toán NSĐP” tập trung chủ yếu xác nhận tính trung thực, hợp lý của công tác tổng hợp số liệu, lập BCQT NSĐP và đánh giá công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách của các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp.
Tuy nhiên, thu NSNN phải được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật NSNN, cũng như các luật về thuế và các quy định khác của pháp luật về thu NSNN; chi NSNN chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật NSNN; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp.
Do đó, việc kiểm toán BCQT NSĐP vẫn phải tiếp cận từ khâu lập, giao dự toán chi thường xuyên và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản và việc điều chỉnh dự toán, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định có liên quan đến thu NSNN và các quy định có liên quan đến tổ chức thực hiện dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định về khóa sổ, lập BCQT NSĐP; việc xử lý số dư dự toán, chi chuyển nguồn; công tác xét duyệt Báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán cấp tỉnh; công tác thẩm định BCQT ngân sách cấp huyện; công tác đối chiếu số liệu quyết toán giữa các cơ quan Thuế, Tài chính, Hải quan, Kho bạc Nhà nước.
Để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán làm cơ sở hình thành ý kiến xác nhận BCQT chi NSĐP, trước hết Đoàn kiểm toán phải xác định chính xác, đầy đủ các nội dung kiểm toán có liên quan đến BCQT chi NSĐP tại Sở Tài chính, trong đó lưu ý các nội dung kiểm toán trọng tâm, các nội dung kiểm toán có khả năng xảy ra sai sót trọng yếu.
Theo kinh nghiệm của KTNN khu vực XIII, các nội dung kiểm toán quan trọng cần chú ý khi kiểm toán chi NSĐP tại Sở Tài chính là kiểm toán công tác lập, giao dự toán và điều chỉnh dự toán chi NSĐP; dự toán chi ngân sách các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc; dự toán chi thường xuyên của các đơn vị dự toán cấp tỉnh.
Kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành trong phân bổ nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn tăng thu ngân sách năm trước, trong phân bổ kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia... Kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành trong việc xác định, cấp bổ sung nguồn cải cách tiền lương.
Đồng thời kiểm toán công tác xử lý quyết toán cuối năm của Sở Tài chính, chú ý việc xử lý số dư dự toán, số dư tạm ứng; việc xác định số chi chuyển nguồn; việc quyết toán các khoản tạm ứng bằng lệnh chi tiền…
Để việc thực hiện kiểm toán được thuận lợi, ngoài việc đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán, các Đoàn kiểm toán cần thiết kế các biểu mẫu liên quan đến từng nội dung kiểm toán cụ thể và đề nghị đơn vị tổng hợp, báo cáo; xác định rõ những nội dung đề nghị Sở Tài chính phải báo cáo bằng văn bản để làm cơ sở, căn cứ cho việc thực hiện kiểm toán.
Còn tại Sở KH&ĐT, Đoàn kiểm toán cần lưu ý một số nội dung kiểm toán liên quan đến số liệu quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSĐP. Cụ thể như kiểm toán việc phân bổ, sử dụng các nguồn thu chỉ dành riêng cho đầu tư xây dựng cơ bản: nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu sử dụng đất… Trên thực tế có địa phương đã dùng nguồn thu xổ số kiến thiết hoặc nguồn thu sử dụng đất để giao dự toán chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư không đúng quy định.
Đồng thời, cũng có nhiều địa phương lại dùng kinh phí sự nghiệp để thực hiện các dự án có cấu phần xây dựng mới, dự án nâng cấp, mở rộng các dự án đầu tư xây dựng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công phải sử dụng vốn đầu tư công. Việc sử dụng sai nguồn cũng liên quan chặt chẽ đến số liệu quyết toán chi NSĐP.
Cùng với đó, Đoàn kiểm toán cần lưu ý kiểm toán việc điều chỉnh kế hoạch vốn khi các nguồn thu liên quan không thực hiện được; kiểm toán việc ghi thu - ghi chi nguồn vốn viện trợ được giải ngân thông qua các ngân hàng thương mại do các tổ chức tài trợ vốn chỉ định./.