Kinh tế biển xanh - Chủ đề kiểm toán tiềm năng

NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH - KTNN chuyên ngành III | 19/12/2024 17:41

(BKTO) - Các hoạt động kinh tế biển toàn cầu hiện đóng góp khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới. Đây cũng là chủ đề kiểm toán được hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) tại các quốc gia có biển quan tâm.

8.jpeg
Kinh tế biển xanh là chủ đề kiểm toán được hầu hết các SAI tại các quốc gia có biển quan tâm. Ảnh: ST

Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển”

Kinh tế biển xanh lần đầu xuất hiện năm 2012 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20). Hiện nay, thuật ngữ này đang có nhiều khái niệm và cách tiếp cận khác nhau. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 2013) cho rằng: “Kinh tế biển xanh là cách tiếp cận dựa trên tầm nhìn về cải thiện sự thịnh vượng và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và sự khan hiếm tài nguyên”. Ngân hàng Thế giới (năm 2017) định nghĩa: “Kinh tế biển xanh là việc sử dụng bền vững tài nguyên đại dương, cải thiện sinh kế và việc làm, sức khỏe các hệ sinh thái đại dương”. Tuy nhiên, cách tiếp cận tùy thuộc bối cảnh của mỗi quốc gia và cần đảm bảo sự phát triển bền vững của 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

Tại Việt Nam, tháng 5/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh Việt Nam - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó xác định: “Kinh tế biển xanh là nền kinh tế sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, cũng như sức khỏe hệ sinh thái biển”.

Với đường bờ biển dài 3.260km, hơn 3.000 hòn đảo, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có những lợi thế từ biển, như: Là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới, trữ lượng nguồn lợi hải sản lớn, tiềm năng về dầu khí, du lịch, thuận lợi phát triển giao thông vận tải biển... Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước đã vượt ngưỡng 60%. Vì vậy, kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, “các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước". Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo, phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia "mạnh về biển, giàu từ biển". Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Kinh tế biển xanh Việt Nam - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển, thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay chưa bền vững. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số vùng biển và ven biển còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững.

Vai trò của Kiểm toán nhà nước

Hiện nay, kinh tế biển xanh là chủ đề kiểm toán được hầu hết các SAI tại các quốc gia có biển quan tâm. Đơn cử, tại Australia, bám sát các hoạt động trọng tâm của Chính phủ về kinh tế biển xanh, các cuộc kiểm toán do SAI Australia thực hiện tập trung vào các vấn đề rủi ro chính về khuôn khổ pháp lý; giám sát Chính phủ đối với các hoạt động quản lý tài trợ và mua sắm; hiệu quả hoạt động của các cơ quan Chính phủ. Giai đoạn 2015-2024, SAI Australia đã thực hiện 9 cuộc kiểm toán về các chủ đề, như: Kiểm toán Việc tuân thủ quy định về giấy phép của Công viên biển Great Barrier Reef (năm 2015); kiểm toán Chương trình hỗ trợ 443,3 triệu USD cho Quỹ Hỗ trợ phát triển rạn san hô Great Barrier (năm 2019); kiểm toán Thỏa thuận phối hợp của các cơ quan chính phủ Australia hoạt động tại eo biển Torres (năm 2019); kiểm toán Công tác quản lý và cấp quyền sử dụng mặt nước biển (năm 2020 và 2024); kiểm toán Công tác quản lý đánh bắt hải sản (năm 2021)…

Còn tại Indonesia, Ủy ban Kiểm toán Indonesia đã xây dựng lộ trình kiểm toán kinh tế biển xanh giai đoạn 2017-2025, như: Kiểm toán Hoạt động xây dựng kè biển (năm 2017); Kiểm toán Chương trình phục hồi rừng ngập mặn (năm 2018); Kiểm toán Công tác giám sát đánh bắt hải sản (năm 2021); Kiểm toán Công tác quản lý vùng duyên hải và đánh bắt hải sản dựa trên hạn ngạch (2023); Kiểm toán Công tác nuôi trồng thủy sản bền vững (đang thực hiện năm 2024); Kiểm toán về chủ đề kinh tế biển xanh (dự kiến thực hiện năm 2025).

Năm 2024, Ủy ban Kiểm toán Indonesia tổ chức Chương trình kiểm toán thực hành về kinh tế biển xanh, đã thu hút hơn 30 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đăng ký tham gia. Hầu hết các SAI tham gia đã thể hiện sự quan tâm đối với chủ đề kiểm toán về đánh bắt hải sản bền vững. Đây cũng là chủ đề KTNN Việt Nam cần xem xét, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua hơn 7 năm nỗ lực để thực hiện hành trình gỡ thẻ vàng IUU của Liên minh châu Âu do khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây ra những tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia, cản trở bước tiến hội nhập và ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các đối tác chiến lược song phương mà Việt Nam hướng đến.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của INTOSAI, Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2021-2024 và Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027, đồng thời thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 là tập trung phát triển, tăng cường cả về chất lượng và số lượng cuộc kiểm toán môi trường và cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, KTNN cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện kiểm toán về chủ đề kinh tế biển xanh nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam; đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò của KTNN - công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế biển xanh - Chủ đề kiểm toán tiềm năng