Kinh tế phục hồi rõ nét nhưng chưa bền vững

(BKTO) - TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế



Để trả lời cho câu hỏi động lực nào cho tăng trưởng, cá nhân tôi cho rằng động lực cho tăng trưởng gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở. Năm 2017, kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ tích cực một cách rõ ràng và Việt Nam được lợi từ quá trình ấy. Thứ hai, theo nhiều tính toán, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn. Thứ ba, Việt Nam có sự đột biến trong sản xuất, xuất khẩu của một số lĩnh vực. Thứ tư, nỗ lực cải cách, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh được thế giới ghi nhận và được cộng đồng DN trong nước cảm nhận.

         

   TS. Võ Trí Thành
   
Nhìn vào tăng trưởng năm 2017 có thể thấy rõ nhất 2 yếu tố, một là chu kỳ tích cực của thế giới, hai là kinh tế trong nước phục hồi do “bước nhảy” của một số lĩnh vực và cải cách môi trường kinh doanh. Động lực của chính phủ nào cũng là tăng trưởng tốt, tăng trưởng cao và Chính phủ Việt Nam muốn thể hiện là Chính phủ hành động, nói được làm được và quyết tâm cao.

Nhưng tôi nhấn mạnh rằng đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét hơn, chứ tôi chưa nói đây là giai đoạn phát triển bền vững. Những năm qua, chúng ta đều đạt mức tăng trưởng trên 6% và đều là phục hồi. Con số tăng trưởng 2017 chưa đáng để vỗ tay mà phải phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân 6,5% trở lên trong vòng 20 năm liên tục, như trong Báo cáo Việt Nam 2035 đã đề cập.

Có thể thấy, đến năm 2015, Việt Nam đã tạo ra được một thế trận hay nhờ 3 lợi thế. Thứ nhất là tận dụng lợi thế của “người” đi trước trong hội nhập. Thứ hai là kết hợp tốt nhất mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị với xuất khẩu. Thứ ba, phát triển đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Nhưng từ năm 2016 đến nay, thế trận ấy không còn đẹp như trước do những thay đổi của thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có được những yếu tố bất định, đó là 3 hiệp định lớn: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì, không giảm thiểu thế trận hội nhập ấy.
Q.ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
Kinh tế phục hồi rõ nét nhưng chưa bền vững