Kinh tế Việt Nam 2015: Sáng lên trong thách thức

(BKTO) - (Gặp gỡ đầu Xuân với GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương)




GS.TS Vương Đình Huệ

* Thưa ông, trong bối cảnh nhiều thăng trầm và thách thức của kinh tế Việt Nam năm 2015, những lĩnh vực nào vẫn khẳng định được vị thế của mình và trở thành điểm sáng ấn tượng?

- Năm 2015, dù điều kiện kinh tế thế giới đang rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành quả rất đáng phấn khởi. Những vấn đề được dự báo từ đầu năm đều trở thành hiện thực.

Điểm sáng thứ nhất, nền kinh tế đã tăng trưởng trên 6,5%, ước tính tăng 6,68%. Trong nhiệm kỳ 5 năm, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng đạt cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch, với nhiều điểm rất tích cực và rất đáng chú ý: Một là, sản xuất công nghiệp phục hồi, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng đến 10,60%. Hai là, tốc độ sản xuất và xuất khẩu của FDI có sự tăng trưởng rất cao, 12 tháng qua tăng 18,3% so với cùng kỳ. Ba là, Tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014). Bốn là, hiệu ứng rất tốt của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…, hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Theo tổng kết của báo chí Nga, năm 2015, Việt Nam là nước bội thu nhất về các hiệp định song phương và đa phương trên thế giới.

Những yếu tố tăng trưởng này không chỉ là kết quả riêng của 2015 mà là của cả một quá trình bắt đầu từ năm 2011 khi Đảng và Nhà nước ta điều chỉnh về mục tiêu phát triển, chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh bền vững sang tăng trưởng mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để thích ứng với điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Với một tinh thần bền bỉ, kiên nhẫn, chúng ta đã tổ chức thực hiện việc chuyển hướng. Đây là một thành công kép cả trong kế hoạch cũng như hành động.

Điểm sáng thứ hai của năm 2015 là kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định. Trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế thế giới và Trung Quốc sụt giảm, biến động… thì việc chúng ta vẫn giữ được thành tích này thực sự là một điểm rất sáng của nền kinh tế. Lạm phát thấp nhất trong 14 năm nay, chưa đến 1%; lãi suất cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm, xuất khẩu tăng, cán cân thanh toán thặng dư, nhiều cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, kể cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.

Điểm sáng thứ ba, đó là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong những lĩnh vực trọng tâm như: DNNN, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nông nghiệp…

Điểm sáng thứ tư, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện. Chúng ta chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa với ASEAN, đơn giản hóa được các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, đầu tư xây dựng, cấp phép, tài nguyên và môi trường… Theo khẳng định của Chính phủ, những vấn đề này chúng ta triển khai rất quyết liệt.

Điểm sáng thứ năm rất nổi bật trong năm nay, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cùng với hàng loạt FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác… đã mở ra cho chúng ta những cơ hội vô cùng to lớn.
Một vấn đề nữa, lĩnh vực an sinh xã hội được chú trọng; quốc phòng an ninh được tiếp tục tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ trên cả ba tiêu chí. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cầu Nhật Tân

* Bên cạnh những điểm sáng nổi bật, chắc rằng kinh tế năm 2015 cũng để lại cho ông không ít băn khoăn. Vậy ông có thể chia sẻ một đôi điều về vấn đề này?

- Hiện nay, một trong những nội dung chúng ta còn băn khoăn và cần chú trọng là động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, khi mà tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm từ 65% đến 70% tổng xuất khẩu của cả nước. Bản thân khu vực FDI cũng chủ yếu còn gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ giá trị gia tăng rất thấp; tác động của việc lan tỏa ứng dụng và công nghệ, quản trị của cả khu vực này với kinh tế nói chung còn rất chậm.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế trong nước, kể cả DNNN và DN tư nhân, hộ kinh doanh v.v… còn gặp rất nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực này giảm khoảng 2,5-2,6 % so với cùng kỳ. Nhìn chung, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp. Xuất khẩu nông sản giảm cả lượng và giá trị, nông nghiệp tăng trưởng đến hết năm 2015 chỉ đạt 2,41%; du lịch cuối năm có phục hồi nhưng tính chung cả năm 2015 thì giảm giảm 0,2% so với năm trước và đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009, mặc dù chúng ta đã quyết định là miễn thị thực cho 5 nước.

Vấn đề tiếp theo là việc cân đối ngân sách năm qua rất khó khăn. Nợ công tăng nhanh, sắp chạm trần, áp lực trả nợ lớn. Vừa rồi, Quốc hội đã ra Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu quốc tế, đồng thời đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu chính phủ. Đây đều là những giải pháp tình thế phải áp dụng để đảm bảo cho cân đối ngân sách và trả nợ.

Việc sắp xếp các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều điểm tiếp tục phải làm. Do thị trường mua bán nợ còn kém phát triển; cơ chế, thủ tục pháp lý, xử lý tài sản còn bất cập và năng lực tài chính của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn có hạn.

Một số mục tiêu cải cách môi trường đầu tư kinh doanh đến cuối 2015 cũng chưa đạt được như mong muốn. Giữa quy định trên văn bản với thực thi của các cơ quan và công chức còn có khoảng cách.

* Thưa ông, tại sao ông cho rằng việc cân đối ngân sách còn khó khăn, trong khi theo các thông tin đưa ra thì năm nay NSNN vượt thu so với dự toán? Thực chất, chúng ta đang gặp khó khăn ở đâu?

- Đúng là tổng thể ngân sách năm 2015 đã vượt dự toán vì chỉ tiêu thu tăng khá. Nhưng kẹt một nỗi, trong khi ngân sách địa phương tăng thu thì ngân sách Trung ương lại hụt thu do giá dầu thô giảm sâu và kéo dài. Theo nguyên tắc, chúng ta không thể lấy ngân sách cấp này bù cho cấp kia. Đã vậy, toàn bộ phần bù đắp bội chi vừa qua đều phải dùng tiền phát hành trái phiếu chính phủ. Cho đến tháng 9/2015, chúng ta mới huy động được hơn 50% trong tổng số khoảng 360 ngàn tỷ đồng. Mấy tháng nay, khi Chính phủ bắt đầu đa dạng hóa, áp dụng cả kỳ hạn 3 năm thì tình hình có khá hơn.

* Với bối cảnh chung như thế thì trong năm 2016, chúng ta sẽ lấy vấn đề nào làm trọng điểm hành động, thưa ông?

- Năm 2016 được dự báo là kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, dù chậm. Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.

Theo cá nhân tôi, năm 2016 chúng ta sẽ tập trung vào hai trọng điểm: Một là, tập trung mọi nỗ lực tạo ra làn song đầu tư thứ hai ở Việt Nam, bởi chúng ta đã ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi với các nội dung tiến bộ, minh bạch cao, đã ký kết hàng loạt FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA…) hứa hẹn tạo nhiều thuận lợi cho thương mại và đầu tư để tạo được làn song đầu tư thứ hai ở Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp quốc gia thì chúng ta phải chú trọng phát triển DN trong nước và DN FDI và cả hai khối DN này phải kết hợp tốt hơn, không bị lệch pha như hiện nay; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, áp đặt kỷ luật thị trường với tất cả các DN, kể cả các DNNN. Hai là, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ của Nhà nước và thị trường; kiên trì thúc đẩy để có một hệ thống thị trường đồng bộ, quy mô, cơ cấu và thể chế phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khơi thông phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ. Nếu không tập trung vào vấn đề này, kinh tế chúng ta sẽ chưa hết khó khăn trong giai đoạn tới.

*Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông đón nhận thêm nhiều thành công trong năm mới!

NHỊ NGUYÊN (thực hiện)
Cùng chuyên mục
  • Điều hành chính sách tiền tệ: Tạo dựng niềm tin cho ổn định và phát triển
    8 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Liên tiếp trong 2 kỳ họp cuối năm 2014 và 2015 củaQuốc hội (QH) khóa 13, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đềuđể lại dấu ấn trên nghị trường. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 8, số phiếu tín nhiệmcao dành cho Thống đốc đã được cải thiện đáng kể so với trước đó và tại kỳ họpthứ 10 vừa qua, lần đầu tiên, người đứng đầu ngành Ngân hàng không nhận được bấtkỳ chất vấn nào của các đại biểu QH. Từ đây, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng NHNNđã đảm nhận tốt vai trò điều hành chính sách tiền tệ?
  • Doanh nghiệp tư nhân và những thách thức từ TPP
    8 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Lĩnh vực đầu tư được đưa vào trong một chương của Hiệp định Đối táckinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những điều khoản về đối xửbình đẳng giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nội địa. Điều này sẽ cónhững tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện đang chiếm tỷlớn tại Việt Nam.
  • Chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
    8 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốclần thứ XII của Đảng đã khẳng định: Một trong những thành tựu quan trọng củanền kinh tế Việt Nam 5 năm qua chính là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ môdần ổn định. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đóchính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đóng vai trò quan trọng. Điều này mộtlần nữa được các chuyên gia nhấn mạnh khi nhìn lại kết quả điều hành chính sáchtiền tệ giai đoạn 2011-2015.
  • Thị trường trái phiếu: Nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư
    8 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Để hoàn thành nhiệm vụ huy động 250nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2015 (đến nay huy động đạt 49% kếhoạch), bên cạnh sản phẩm truyền thống là trái phiếu thanh toán lãi định kỳ, BộTài chính sẽ triển khai 2 sản phẩm mới là trái phiếu không thanh toán lãi địnhkỳ (Zero – coup bond) và trái phiếu lãi suất thả nổi để đáp ứng nhu cầu của nhàđầu tư vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Bộ sẽ áp dụng một số giải pháp như đa dạnghóa các kỳ hạn trái phiếu, tạo dựng cơ chế để phát triển hệ thống nhà đầu tư…
  • Huy động nguồn lực tài chính để CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn
    8 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Huyđộng mạnh mẽ nguồn lực tài chính đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang là vấnđề lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộcCNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của nước ta hiện nay.
Kinh tế Việt Nam 2015: Sáng lên trong thách thức