Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới

NGUYỄN LỘC (thực hiện) | 21/12/2023 06:37

(BKTO) - Cuộc kiểm toán “Chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2023 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng” được KTNN khu vực VI đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xét đạt “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”. Trao đổi với Báo Kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho biết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới đã làm nên điều này.

6-kiem-toan-truong-vu-khanh-toan.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn. Ảnh: N.LỘC

Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật từ cuộc kiểm toán được đề xuất xét “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” nêu trên, thưa ông?

Cuộc kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2023 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (sau đây gọi tắt là Quỹ) nhằm quản lý và sử dụng Quỹ theo quy định, kết quả kiểm toán cũng đã phát hiện nhiều bất cập nổi bật như:

Một là, từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31/3/2023, các tỉnh đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.278,8ha rừng sang mục đích khác; diện tích rừng đã trồng thay thế chỉ bằng 60% so với diện tích phải trồng; diện tích còn phải trồng là 2.430,46ha, song chưa được giao đủ diện tích đất trồng rừng còn thiếu (riêng tỉnh Quảng Ninh là 1.913,64ha của 108 dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác).

Hai là, tính đến ngày 31/3/2023 số dư cuối kỳ của Quỹ còn lớn (517,9 tỷ đồng) nhưng chưa được sử dụng làm giảm hiệu quả sử dụng Quỹ, đặc biệt trong số dư trên có số thu của nhiều dự án đến thời điểm kết thúc kiểm toán (ngày 25/4) vẫn chưa thể chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế để thu nhận nguồn quỹ này.

Ba là, còn có Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất rừng trong đó có một phần diện tích đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án hạ tầng công cộng, trong khi dự án chưa xác định diện tích đất rừng đặc dụng để báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng này.

Bốn là, có địa phương ban hành Đề án triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện trạng rừng năm 2020, 2021, 2022 chậm so với quy định; các phương án nộp tiền trồng rừng thay thế được phê duyệt chưa nêu rõ thuộc trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn hoặc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định.

Năm là, tại các tỉnh trên mặc dù có một số đơn vị sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước, có phát sinh sản lượng nước khai thác nhưng Quỹ chưa kịp thời hoặc chưa rà soát, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời theo quy định tiềm ẩn nguy cơ thất thu tiền của Quỹ.

Ngoài ra, Đoàn kiểm toán cũng phát hiện một số vướng mắc về cơ chế, chính sách như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định, hướng dẫn xác định hệ số (K1) đối với trữ lượng rừng trồng. Chính phủ không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế...

Năm 2023, KTNN khu vực VI hoàn thành toàn diện 8 cuộc kiểm toán, với tổng số kiến nghị xử lý tài chính và kiến nghị khác đến ngày 30/11 khoảng trên 3.479 tỷ đồng cùng nhiều phát hiện, kiến nghị cơ chế, chính sách nổi bật. Trong đó, Đoàn kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được xếp loại Xuất sắc.

Đơn vị đã có chỉ đạo và tổ chức triển khai như thế nào nhằm đảm bảo thực hiện tốt cuộc kiểm toán với nhiều phát hiện nổi bật nêu trên, thưa ông?

KTNN khu vực VI xác định đây là một cuộc kiểm toán chuyên đề lớn nên tổ chức thành đoàn kiểm toán riêng biệt, không lồng ghép với các đoàn kiểm toán khác, đây là sự khác biệt quan trọng đối với nhiều đơn vị trong ngành. Với ý nghĩa đó, lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo Đoàn kiểm toán, các kiểm toán viên tập trung làm tốt nhiệm vụ kiểm toán.

Việc thực hiện kiểm toán, từ khâu chuẩn bị phải nắm vững yêu cầu, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước để triển khai cho phù hợp, đúng định hướng. Trên cơ sở chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo đơn vị, Đoàn kiểm toán đã chú trọng khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, đây chính là cơ sở để Đoàn đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp, xác định đúng nội dung kiểm toán trọng tâm, Đoàn kiểm toán đã vận dụng tốt phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu - phương pháp mới và khó đối với toàn Ngành.

Cuộc kiểm toán chuyên đề này có quy mô triển khai tại một số địa phương trên cả nước nên đề cương, hướng dẫn mới ở mức phổ quát chung. Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức quán triệt, nghiên cứu kỹ đề cương kiểm toán, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu bổ sung các nội dung, tiêu chí phù hợp với đặc thù của địa phương.

Đặc biệt, KTNN khu vực VI đã phát huy tinh thần tập thể trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm toán; đồng thời quán triệt nghiêm kỷ luật, đạo đức trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Qua thực tiễn kiểm toán, đơn vị đã rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp gì để nâng cao chất lượng kiểm toán thời gian tới, thưa ông?

Từ thực tiễn công tác kiểm toán vừa qua, chúng tôi nhận thấy rằng để thực hiện cuộc kiểm toán đạt kết quả cao cần không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ cho công chức, người lao động gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát ở tất cả các cấp quản lý, trong đó, cần chú trọng vào một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán gắn với đề cao đạo đức công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát và đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, tổ chức nghiên cứu kỹ hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024 của KTNN và Kế hoạch kiểm toán tổng quát của từng cuộc kiểm toán để cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung đã được phê duyệt; tăng cường đổi mới phương pháp, cách tiếp cận các vấn đề trong quá trình kiểm toán; thực hiện đầy đủ theo các hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ báo cáo kết quả kiểm toán; ghi chép nhật ký điện tử; đổi mới hoạt động kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ ba, tăng cường bố trí nhân lực để thực hiện nhiệm vụ khảo sát, lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; phân công nhiệm vụ trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán đảm bảo đúng người, đúng việc, có sự tham gia và thống nhất của tập thể lãnh đạo và cấp ủy.

Thứ tư, các tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán và Phòng Tổng hợp tăng cường tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán trong việc chỉ đạo các đoàn kiểm toán đi sâu làm rõ các trọng tâm, các phát hiện quan trọng ngay trong quá trình kiểm toán để có chỉ đạo kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới