Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên
Trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sắp hết hiệu lực thi hành, một trong những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi Luật Các TCTD là luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42 để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định như: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng luật hóa và sửa đổi, bổ sung tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của TCTD; sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo công khai chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích các bên; sửa đổi, bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán…
Cần làm rõ bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện và vai trò của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an tham gia vào việc thu giữ tài sản bảo đảm để đảm bảo phù hợp quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình… tránh lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay.
Bà Đỗ Thị Việt Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang)
Đồng tình quan điểm cần luật hóa các quy định để tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần đánh giá tổng thể khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng giữa các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
“Việc Dự thảo Luật cho phép các TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm, tức là thu giữ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong quan hệ dân sự giữa các tổ chức, giữa TCTD và khách hàng mà không thuộc trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 quy định có thể dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế” - đại biểu Đỗ Thị Việt Hà lưu ý.
Những vấn đề cần tiếp tục làm rõ
Chỉ ra một số nội dung được luật hóa trong Dự thảo chưa giải quyết được căn cơ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu, đại biểu Trần Nhật Minh dẫn chứng: Về điều kiện để thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm, điểm d khoản 2 Điều 184 Dự thảo Luật quy định: "Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền, không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD, công ty quản lý tài sản của các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết để xác định tài sản bảo đảm có đủ điều kiện để thu giữ hay không. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản. “Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các TCTD khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản bảo đảm”- đại biểu Trần Nhật Minh đề xuất.
Tương tự, về giải pháp xử lý trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu, Dự thảo Luật mới quy định hành vi pháp lý, chưa quy định được quyền pháp lý của bên tiến hành thu giữ tài sản; cũng chưa quy định được giải pháp xử lý trong tình huống bên bảo đảm cố tình, thậm chí chống đối, không chịu bàn giao tài sản bảo đảm. Do đó, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc việc quy định xác định quyền thu giữ, thủ tục thu giữ tài sản cho phù hợp, tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi, vướng mắc trong áp dụng.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) chỉ ra, quy định liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không có gắn với quyền sử dụng đất như Dự thảo Luật sẽ chưa giải quyết được 2 tình huống đang xảy ra trong thực tế. Đó là, tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng người bảo đảm đang nợ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất và các khoản thu khác, sau khi TCTD nhận tài sản bảo đảm đó sau một thời gian mới chuyển nhượng thì kể từ thời điểm nhận tài sản bảo đảm gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm của TCTD hay không? Việc không đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai trong giai đoạn cầm giữ tài sản của TCTD có bị tính tiền phạt hay không?
Để giải quyết được tình huống này, đại biểu đề xuất quy định theo hướng, bên mua khoản nợ hoặc TCTD khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước. Trong thời gian TCTD nhận tài sản bảo đảm nhưng chưa xử lý thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật và không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng./.