Cần thêm động lực để kích cầu tín dụng

(BKTO) - Tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN) đang rất yếu. Do vậy, bên cạnh các giải pháp từ ngành ngân hàng, điều quan trọng để thúc đẩy tín dụng là tăng sức cầu của nền kinh tế.

anh-tien.jpg
Cần nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân, DN. Ảnh minh họa

Tín dụng tăng thấp do nhiều nguyên nhân

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 8,09% của cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng mới tăng trưởng được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 47% thị phần, tăng khoảng 50% mức được giao.

Theo đánh giá của NHNN và các chuyên gia, những số liệu trên cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu và vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

Để khơi thông dòng chảy tín dụng, từ đầu năm đến nay, NHNN đã tích cực rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động cấp tín dụng của các nhà băng. NHNN cũng đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các DN đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN, các Hội nghị tín dụng chuyên đề (DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…) nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Động thái tích cực nữa là NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN và nền kinh tế. Rõ ràng, nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng tại sao tín dụng vẫn tăng thấp?

Giải đáp vấn đề này trước Quốc hội, báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đều chỉ ra ba nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. Đó là: Các DN sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. DN nhỏ và vừa, một số DN có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi nên chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn, ít dự án mới được triển khai.

Nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là do các gói ưu đãi lãi suất hiện tại chưa đi vào thực tiễn; lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm tương đối nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao.

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh 

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lý giải thêm nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là do các gói ưu đãi lãi suất hiện tại chưa đi vào thực tiễn; lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm tương đối nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, ngân hàng không thiếu vốn, room tín dụng không vướng. Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì các DN cũng không vay.

Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tăng sức cầu cho nền kinh tế

Tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra yêu cầu đối với ngành ngân hàng cần có giải pháp để khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện được nhiệm vụ này, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với DN. NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị tăng cường tín dụng và triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

Về phía ngân hàng thương mại, để kích cầu tín dụng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tiếp tục đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất hấp dẫn để hỗ trợ người dân, DN. Tùy từng đối tượng, nhóm khách hàng mà BIDV thiết kế các gói tín dụng sẽ được vay với lãi suất 7-8%/năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội khẳng định: Ngân hàng không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp giúp ngành ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Tháng 4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương, giao NHNN khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện. Thực tế, nhiều chương trình cho vay tiêu dùng cũng đang được các ngân hàng triển khai.

Bên cạnh sự nỗ lực từ ngành ngân hàng, theo các chuyên gia, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho DN bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tăng sức cầu cho nền kinh tế đang là hướng đi cần thiết để hỗ trợ cho các DN lúc này. Còn theo TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), cầu tiêu dùng có tăng thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát triển, DN mới cần đến vốn để sản xuất.

Khẳng định giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ DN, phát triển DN nhỏ vừa vừa, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng./.

Cùng chuyên mục
Cần thêm động lực để kích cầu tín dụng