Lãi suất tăng và hệ lụy

TS. NGUYỄN MINH PHONG | 06/10/2022 10:51

(BKTO) - Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng huy động toàn hệ thống mới chỉ đạt 4,17% so với cuối năm 2021, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2021.

http-media.baokiemtoannhanuoc.vn-files-library-images-1-40.jpg
Ảnh minh họa

Lần đầu tiên trong 2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chính thức nâng các mức lãi suất điều hành thêm từ 0,5-1 điểm % từ ngày 23/9/2022. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Tiếp theo động thái đó, nhiều ngân hàng thương mại đã và đang rục rịch tăng lãi suất huy động (từ 0,5-1%) và có thể cả lãi suất cho vay… Theo biểu niêm yết Vietcombank cập nhật ngày 29/9/2022, lãi suất tiết kiệm tăng mạnh từ 0,8-1,3%/năm ở các kỳ hạn. VietinBank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng thêm 1%. Agribank nâng lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 6,4%/năm. BIDV điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 0,8-1%...

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm cũng tăng mạnh lên trên 5%/năm.

Việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp xu hướng nhiều nước đã nâng lãi suất để đối phó với sức ép lạm phát cao, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với đồng USD trên thế giới và tiếp tục yêu cầu của Chính phủ về điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ với tài chính, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng…

Dù muốn hay không, tác động hai mặt của việc tăng lãi suất điều hành, huy động và cho vay đang đậm dần.

Lãi suất là giá của đồng tiền quốc gia. Việc tăng lãi suất được sử dụng phổ biến như một công cụ mạnh trong kiểm soát lạm phát và để bảo vệ bản tệ trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế cũng như trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời, kích thích hạn chế tiêu dùng, tăng tích trữ hàng hoá và vàng, làm tăng tiền gửi và sử dụng tiết kiệm các khoản vay, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu. Mức lãi suất càng cao hơn mức lạm phát thì tác động tức thời của nó đến việc giảm phát càng rõ rệt.

Lãi suất phải thực dương tuân theo bất phương trình sau: L1
Lãi suất cao sẽ có lợi cho người gửi tiền, song hạn chế đầu tư xã hội, dẫn đến tăng đình trệ suy thoái, thất nghiệp và phá sản, gây áp lực lạm phát tương lai bởi gánh nặng nợ lãi huy động cho ngân hàng và ngân sách nhà nước. Đồng thời, mức lãi suất cho vay cao “ở đầu vào” sẽ được doanh nghiệp - người vay tự động chuyển vào giá cả “ở đầu ra”, làm tăng mức và mặt bằng giá xã hội chung, tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy.

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại và cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng thu hẹp, với các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Để thích ứng với hệ lụy của tăng lãi suất điều hành và cho vay, cần sự tích cực tham gia của các bên liên quan: Nhà nước, một mặt, linh hoạt điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường và mục tiêu quản lý vĩ mô; mặt khác, kích thích và quản lý sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, gia tăng nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động và giảm thiểu chi phí tiếp cận vốn. Các ngân hàng cho vay cần tiết kiệm chi phí quản lý, đa dạng hóa các dịch vụ và khoản thu, ngoài kênh cho vay và hưởng chênh lệch lãi suất vay và cho vay kiểu truyền thống. Các doanh nghiệp đi vay cần chủ động rà soát các kế hoạch đầu tư, cân nhắc kỹ quy mô, chi phí và tiến độ dùng vốn vay ngân hàng…/.



Cùng chuyên mục
  • “Không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong quá trình sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên.
  • Hiệu quả Tháng Thanh niên từ tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Từ nhiều năm nay, Tháng Thanh niên được cả nước triển khai thực hiện có hiệu quả về nhiều mặt, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Quyết đoán và hợp lý
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 22/9/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố từ ngày 23/9, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm.
  • Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và về đích năm 2022
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 không đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ đề ra trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, cộng hưởng với những căng thẳng khu vực và các dịch chuyển địa chính trị lớn, sâu sắc trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường triển khai quyết liệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022.
  • Ngời sáng tinh thần Nam Bộ kháng chiến
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đối với mỗi người Việt Nam, “Nam Bộ kháng chiến”, “Thành đồng Tổ quốc” đã và sẽ mãi mãi được ghi đậm trong tim với sự tự hào, vinh dự và mến phục.
Lãi suất tăng và hệ lụy