Nỗi lo mất việc cuối năm
Nhận quyết định nghỉ việc gần 2 tuần nay nhưng chị N.T.G công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng, TP. Hồ Chí Minh vẫn không khỏi sốc và lo lắng. Nhất là khi cái Tết gần cận kề.
“Thông thường dịp cuối năm là cơ hội để 2 vợ chồng làm thêm có chút thu nhập dư để tiết kiệm nhưng năm nay, mọi dự định đều dang dở. Hơn 40 tuổi đi xin việc lúc này rất khó, mọi chi tiêu đều trông vào suất lương của chồng” - chị G ngán ngẩm chia sẻ.
Hiện tại, số lao động bị mất việc làm chưa có con số thống kê cụ thể song theo thống kê sơ bộ của Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay, 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống.
Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 441 (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%) với tổng số gần 625.000 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp và hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Nhận định về tình trạng mất việc làm gia tăng, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, thông thường, giai đoạn cuối năm cũng như đầu năm, thị trường thường khát lao động, trừ 2 năm đại dịch nhưng năm nay là hiện tượng khá bất thường.
Theo TS.Vũ Minh Tiến, trước tình trạng NLĐ bị mất việc gia tăng, mới đây, Viện Công nhân Công đoàn đã tổ chức 2 đoàn đi điều tra khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, theo TS. Tiến, kết quả công bố qua hệ thống công đoàn cơ sở cũng như hệ thống công đoàn khu công nghiệp và cấp huyện cho thấy, phần lớn lao động mất việc đều là lao động nữ, họ vốn dĩ là đối tượng yếu thế, lao động nhập cư, thu nhập thấp, giờ bị mất việc cận Tết, cuộc sống càng khó khăn. Đây là nhóm rơi vào tình cảnh yếu thế kép, vì vậy, các địa phương, cấp công đoàn cơ sở cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời
Trước thực trạng trên, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho biết, Cục Việc làm sẽ chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ bị mất việc làm.
Những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn cần tập trung giải quyết khó khăn cho NLĐ. Lãnh đạo Cục Việc làm yêu cầu, trong quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm việc làm cho lao động mất việc.
Đồng thời, Cục Việc làm cũng đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, bởi lẽ đây cũng là cách tạo nhiều công ăn, việc làm cho NLĐ; đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho NLĐ về quê.
Còn theo TS. Vũ Minh Tiến, trước hết, quyền lợi của NLĐ phải đảm bảo được thực hiện đúng và đầy đủ theo Bộ luật Lao động. Thứ hai là doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết với NLĐ.
Cùng với đó, các cấp công đoàn và NLĐ cần có những đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho NLĐ. “Ở nhiều nước khi xảy ra tình trạng NLĐ phải nghỉ việc giữa chừng, doanh nghiệp đều có hỗ trợ về lương để NLĐ tìm việc làm mới. Đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm với NLĐ của doanh nghiệp” - TS. Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.
Liên quan đến câu chuyện lương thưởng tháng 13, TS. Vũ Minh Tiến cho rằng, thưởng Tết với NLĐ rất ý nghĩa, đặc biệt với những lao động bị mất việc giữa chừng càng có ý nghĩa hơn.
Do đó, theo TS. Tiến, cần phải tính theo tỉ lệ tháng mà NLĐ đã làm cho doanh nghiệp. Tức là dù NLĐ bị mất việc làm song doanh nghiệp cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với NLĐ. Đây cũng là chìa khóa để doanh nghiệp ổn định sản xuất khi có đơn hàng.
Về giải pháp lâu dài, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH - cho rằng, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ.
Riêng các Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động./.